Gần 69.400 hộ dân Đắk Nông được vay vốn ưu đãi

Kinh tế
Nguyễn Lương 04/04/2023 05:00

Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân tiếp cận vốn vay. Nhờ đó, nhiều người đã vay được vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo nguồn thu nhập. 

Nắm chắc từng địa bàn

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô có hơn 200 tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) tại cơ sở. Trong số này, hơn 95% tổ hoạt động tốt.

Theo ông Đào Thái Hùng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô, việc kiện toàn hoạt động các tổ TK&VV được đơn vị thực hiện hàng năm.

img_9139(1).jpg
Các tổ TK&VV huyện Đắk Mil trao đổi kinh nghiệm quản lý nguồn vốn vay 

Những tổ yếu kém, Phòng Giao dịch phân tích nguyên nhân còn tồn tại. Từ đó, đơn vị có phương án xử lý cụ thể. Đối với những tổ hoạt động khá, tốt, Phòng Giao dịch khen thưởng kịp thời, nhân rộng để các tổ khác làm theo.

Đơn vị còn trang bị kiến thức cho Ban Quản lý tổ TK&VV. Thông qua tập huấn chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ quản lý vốn, các tổ ngày càng hoạt động hiệu quả.

Tại huyện Đắk Mil, quy trình vay vốn được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện xây dựng theo hướng thuận lợi cho người dân. Mỗi khách hàng vay vốn, NHCSXH sẽ cấp một sổ vay vốn. Với mã số riêng, khách hàng sử dụng trong suốt quá trình vay. Cuốn số này, có đầy đủ các thông tin khách hàng.

img_9175(1).jpg
Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Mil phối hợp với Ban Quản lý Tổ TK&VV kiểm tra sử dụng vốn vay tại hộ dân

Bà Nguyễn Thị Phương, xã Đắk Lao (Đắk Mil) vừa được NHCSXH huyện giải ngân 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo.

Theo bà Phương, toàn bộ thủ tục, hồ sơ vay vốn, bà đều được tổ TK&VV hướng dẫn. Gia đình không phải thế chấp tài sản bảo đảm cho ngân hàng nhưng vẫn vay được vốn ưu đãi.

“Gia đình nhận được vốn vay nhanh. Từ lúc được xem xét, làm hồ sơ đến khi ngân hàng giải ngân vốn chỉ chưa đầy 4 ngày, rất thuận lợi”, bà Phương chia sẻ.

Đắk Nông hiện có 1.583 tổ TK&VV đang hoạt động. Trong đó, có 1.425 tổ xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 90%; 122 tổ xếp loại khá, chiếm 7,7%; 36 tổ xếp loại trung bình. Không có tổ nào xếp loại yếu kém.

Có cơ chế phối hợp chặt chẽ

Thực tế, vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể các cấp trong thực hiện tín dụng chính sách rất quan trọng. Do vậy, quá trình phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể được NHCSXH chú trọng.

Hiện nay, nguồn vốn NHCSXH ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội là hơn 3.700 tỷ đồng, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên.

img_9115(1).jpg
Phòng giao dịch NHCSXH Đắk Song giao dịch với người dân xã Thuận Hạnh

Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, đối với các đơn vị nhận ủy thác, NHCSXH phối hợp mở các lớp tập huấn nghiệp vụ.

Nhiều chuyên đề về chất lượng tín dụng, giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng… được chi nhánh triển khai thường xuyên đến các cấp hội. Các đơn vị nhận ủy thác đã chủ động kế hoạch kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng nhận ủy thác trên địa bàn.

NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương sở tại tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch xã vào ngày cố định. Tất cả các hoạt động cho vay, thu lãi, nợ gốc, gửi tiết kiệm đều được thực hiện tại điểm giao dịch xã.

Thông qua hoạt động giao dịch, NHCSXH tổ chức họp giao ban với địa phương, nhằm đánh giá hoạt động cho vay trong tháng. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai được các bên tham gia tháo gỡ ngay tại đây.

Đến nay, 71/71 xã, phường đều có điểm giao dịch hoạt động hiệu quả. Nguồn vốn ưu đãi đến với nhiều người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Tính đến hết tháng 3/2023, toàn tỉnh có gần 69.400 hộ dân được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, với tổng dư nợ trên 3.720 tỷ đồng.

Nguyễn Lương