Gian hàng nông sản "độc lạ" của cô giáo ở Đắk Nông
Nông sản được bày bán theo từng loại, để bảng giá, khách hàng đến lựa chọn, tự cân và tự trả tiền vào thùng để sẵn. Gian hàng "độc lạ" này đã duy trì được 3 năm, mỗi tháng bán từ 3 - 4 tấn nông sản.
Gian hàng là của cô Trà Thị Nhiều, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Trường Xuân. Gian hàng nằm cạnh quốc lộ 14, đoạn đi qua xã Trường Xuân (Đắk Song).
Năm 2020, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản khó khăn. Việc hạn chế tiếp xúc để phòng, chống Covid-19 đã giúp cô nảy ra ý tưởng bán hàng theo cách của... người Nhật. Từ đó, cô cho ra đời gian hàng không người bán.
Cô Nhiều cho biết, ngày đầu "khởi nghiệp", cô chỉ bày bán những loại rau trồng được trong rẫy của gia đình. Gian hàng khi đó chỉ có 1 chiếc cân, bảng giá và thùng tiền.
Sau 3 ngày bán thử, cô mở thùng và đã có 1 khoản tiền lời ngoài vốn. Từ đó, cô dần mở rộng quy mô và đến nay rau, củ, quả, nông sản ngày càng đa dạng.
Để có lượng hàng chất lượng bày bán tại gian hàng, cô Nhiều đã kết nối với nhiều nông dân tại địa phương để tiêu thụ nông sản nhà làm.
Cô Nhiều cho biết: "Một hộ làm rau để ăn thường dùng không hết. Tôi sẽ kết nối với họ để tiêu thụ, tạo thêm thu nhập. Các hộ trồng để phục vụ gia đình, nên bảo đảm rau sạch. Đây cũng là tiêu chí của gian hàng. Mẫu mã có thể không đẹp mắt, nhưng phải chất lượng và an toàn".
Chị Trần Thị Thu, một khách hàng thường xuyên của gian hàng chia sẻ: "Tôi thường xuyên đến đây để “đi chợ”. Hàng ở đây rất chất lượng. Việc mua hàng không người bán, tự trả tiền nên thấy khá thú vị. Chủ nhà trao niềm tin cho tôi, tôi trao lại bằng sự chân thành".
Tiện đường chở con đi học về, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mẫn, xã Trường Xuân, ghé vào gian hàng để mua rau củ cho bữa trưa. Chị Mẫn cho biết, hàng hóa ở đây có thể mẫu mã không đẹp, nhưng chất lượng thì rất tốt, giá lại hợp túi tiền. Chị rất yên tâm khi sử dụng nông sản ở đây.
Để có những sản phẩm rẻ, cô Nhiều đã kết nối với các nhà trồng rau quy mô nhỏ để đặt hàng và họ sẽ mang hàng ra điểm bán hàng vào mỗi buổi sáng.
Nhiệm vụ của cô là tuyển lựa và trưng bày hàng. Giá bán hàng thường rẻ, bởi vì cô không tốn chi phí vận chuyển.
Khách đến mua hàng, tự cân, tự tính tiền, quá trình này không có người trông và camera giám sát. Cô Nhiều chia sẻ: "Tôi tin vào khách hàng và khách hàng cũng trao cho tôi niềm tin. Điều tôi vui nhất là từ khi bán hàng tới nay chưa khi nào lỗ vốn".
Cô Nhiều cũng kết nối với các hộ chăn nuôi để họ thu mua lại những nông sản tồn hoặc hàng không đạt tiêu chuẩn.
Hơn 3 năm duy trì, gian hàng luôn có giá bán rẻ ngang với giá ở vườn. Trung bình mỗi tháng, cô Nhiều bán từ 3 - 4 tấn nông sản các loại.
Ngoài việc làm cầu nối tiêu thụ nông sản cho các nhà vườn, cô Nhiều còn mang lại nguồn thu nhập kha khá cho gia đình. Quan trọng hơn, cách bán hàng này còn tạo lòng tin giữa người bán, người mua. Nó cũng góp phần tiêu thụ một lượng nông sản cho nhiều người dân.
Theo lãnh đạo UBND xã Trường Xuân, cách bán hàng như cô Nhiều là rất độc đáo, chưa từng có trên địa bàn. Đây là sự sáng tạo từ những hoàn cảnh thực tế trong cuộc sống.
Cách làm này cũng góp phần lan tỏa lối sống đẹp, tử tế, sự trung thực trong cuộc sống hằng ngày. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân bán hàng theo cách này một cách bài bản, quy mô, hiệu quả hơn.