Chuyên gia Mỹ lý giải nguyên nhân "ngầm" khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:30, 03/04/2023
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trong phòng cách ly tại Bệnh viện Western Reserve ở bang Ohio, Mỹ, tháng 1/2022. Ảnh: Reuters |
Gita Pensa là bác sĩ, diễn giả, nhà giáo dục, huấn luyện viên và tác giả của podcast Doctors and Litigation: The L Word. Cô giúp các bác sĩ quản lý những tác nhân gây căng thẳng trong các vụ việc bất lợi, kiện tụng và trạng thái kiệt sức.
Tình huống nguy hiểm
Khi đến Khoa Cấp cứu trong một ca trực gần đây, Pensa thấy phòng chờ có rất nhiều bệnh nhân. Một nửa số giường cấp cứu trong khoa của cô đã dành cho "người bệnh nội trú" - những bệnh nhân ốm nặng phải nhập viện nhưng không có sẵn giường điều trị nội trú cho họ trong bệnh viện nơi Pensa làm việc cũng như tại bất kỳ nơi nào khác trong bang.
Trong những bệnh nhân này, có một trẻ sơ sinh bị suy hô hấp do nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV, một phụ nữ lớn tuổi đang hấp hối và một cậu bé tuổi teen đã được giám sát an ninh trong phòng cấp cứu suốt 3 ngày liên tiếp và đang chờ chuyển sang giường bệnh điều trị tâm thần.
Trong vòng 1 giờ sau khi đến Khoa Cấp cứu, Pensa đã chăm sóc 4 bệnh nhân bị bệnh nặng mà không có khoa hồi sức, cấp cứu nào nào có thể tiếp nhận họ. "Sự chăm sóc từng phút mà họ yêu cầu từ chúng tôi đồng nghĩa với việc những bệnh nhân ốm yếu khác ít được quan tâm hơn", Pensa chia sẻ.
Một y tá dày dạn kinh nghiệm nói thầm với Pensa trong giây phút choáng ngợp: “Tôi không thể làm việc này nữa. Điều này không xứng đáng với giấy phép của tôi”. Lúc đó, Pensa chắc chắn rằng: "Đây là một tình huống nguy hiểm đối với bệnh nhân của chúng ta và đối với chúng ta", và đây không phải là lần đầu tiên cô suy nghĩ như vậy.
Là một bác sĩ chuyên huấn luyện các bác sĩ khác vượt qua căng thẳng của các vụ kiện liên quan đến sơ suất trong quá trình chữa bệnh, Pensa nhận thức sâu sắc về một sự thật không thể nói ra trong các cuộc thảo luận công khai về lý do nhiều nhân viên y tế nghỉ việc.
Cô thừa nhận rằng, những gì đã được công bố cho đến nay là rất đúng: Chúng tôi kiệt sức. Bạo lực đối với nhân viên y tế thường xuyên xảy ra. Chúng tôi dần hao mòn vì những rào cản được thiết lập hằng ngày bởi các công ty bảo hiểm sức khỏe, hồ sơ sức khỏe điện tử... Chúng tôi đã làm việc liên tục trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự...
"Và khi có một kết quả gây đau khổ cho bệnh nhân và gia đình họ, chúng tôi không chỉ bị những thất bại đó đè bẹp mà còn trở thành bộ mặt của những thất bại đó", Pensa bày tỏ.
Áp lực từ những vụ kiện
Kiện tụng liên quan đến sơ suất trong quá trình chữa bệnh là một chủ đề gai góc để đưa ra thảo luận thẳng thắn. Ngay cả trong giới bác sĩ, dù kiện tụng là việc rất phổ biến, nhưng nó vẫn mang một không khí "hổ thẹn và bí mật". Những trải nghiệm cá nhân trong các vụ kiện hiếm khi được thảo luận. Nhiều bác sĩ thậm chí không hiểu được cách các vụ kiện thật sự diễn ra.
Một cuộc khảo sát cho thấy, hơn 80% bác sĩ sản phụ khoa và bác sĩ phẫu thuật tổng quát đang hành nghề đã bị kiện ít nhất 1 lần.
Các vụ kiện liên quan đến sơ suất trong chữa bệnh thường xảy ra với nhiều bác sĩ giỏi. Thí dụ, một cuộc khảo sát cho thấy, hơn 80% bác sĩ sản phụ khoa và bác sĩ phẫu thuật tổng quát đang hành nghề đã bị kiện ít nhất 1 lần.
Việc chính thức kết luận xảy ra sơ suất trong khi chữa bệnh, dù có xảy ra hay không, đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ dài hổ thẹn và đau khổ về tâm lý đối với các bác sĩ lâm sàng - những người đã cống hiến cả cuộc đời cho nghề nghiệp và thật sự quan tâm đến kết quả điều trị của bệnh nhân.
Bác sĩ Pensa phân tích: "Cơ hội trò chuyện với bệnh nhân hoặc gia đình họ - để hàn gắn, giải thích, lắng nghe, xoa dịu - đều mất đi; còn các luật sư sẽ làm nhiệm vụ chiến đấu hoặc bảo vệ thay cho chúng tôi. Cùng với nỗi lo lắng về kết quả bất lợi nghiêm trọng đối với bệnh nhân, giờ đây còn có thêm nỗi sợ hãi về tài sản cá nhân gặp rủi ro, khả năng mất giấy phép hoặc sinh kế và dấu vết của hồ sơ công khai lâu dài về vụ kiện; lo lắng tràn ngập, cũng như sự hổ thẹn khi bị bệnh nhân và đồng nghiệp đánh giá là kém cỏi".
Nỗi sợ hãi này thường không được nói ra từ các bác sĩ lâm sàng - những người được luật sư và công ty bảo hiểm của họ khuyên không nên nói về nó, nhưng lại bị luật sư của bên đối lập - những người rất thông thạo về tâm lý căng thẳng mà vụ kiện gây ra cho bị cáo, lợi dụng trong suốt quá trình pháp lý.
Ngoài ra, những người cung cấp dịch vụ y tế thường được tổ chức của họ hỗ trợ rất ít trong quá trình kiện tụng, kết quả là tạo ra cảm giác không tin tưởng chung giữa ban quản lý bệnh viện và nhân viên.
Ảnh minh họa: Reuters |
Trong lịch sử, nhiều vụ kiện liên quan đến sơ suất trong quá trình chữa bệnh không liên quan đến lỗi thực sự. Phần lớn các vụ kiện đều kết thúc bằng việc không thanh toán và khi các vụ việc được đưa ra xét xử, các bác sĩ chiếm ưu thế trong hơn 85% thời gian.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhận ra rằng dù có xảy ra lỗi hay không và bất kể kết quả cuối cùng của vụ việc như thế nào, căng thẳng do vụ kiện liên quan đến sơ suất trong hành nghề là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kiệt sức, sử dụng chất kích thích, ly hôn và khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở các bác sĩ lâm sàng.
Nhóm bác sĩ có tỷ lệ tự sát cao hơn đáng kể so với dân số nói chung. Một nghiên cứu khảo sát hơn 7.000 bác sĩ phẫu thuật ở Mỹ năm 2011 cho thấy các vụ kiện liên quan đến sơ suất trong chữa bệnh “có quan hệ chặt chẽ với tình trạng kiệt sức, trầm cảm và ý định tự sát”. Một nghiên cứu khác của Tạp chí Hiệp hội y khoa Mỹ (JAMA) năm 2020 cũng chỉ ra rằng, “các vấn đề pháp lý dân sự là một yếu tố rủi ro đáng kể dẫn đến việc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tự sát”.
Đối với một bác sĩ vốn được đánh giá tốt nhưng giờ lại trở thành người bị kiện, một cuộc khủng hoảng tinh thần sẽ bùng phát mà thường không được giải quyết.