Đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược với Italia
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:04, 01/04/2023
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Ngoại giao Italy Maria Tripodi, cùng các thành viên đoàn Việt Nam và Italia tham dự Tham vấn chính trị lần thứ 5. (Ảnh: TTXVN) |
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam coi trọng phát triển và mong muốn làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược với Italia, quốc gia thành viên có vai trò quan trọng tại Liên minh châu Âu (EU); đề nghị hai bên tăng cường những hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương về ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, khoa học-công nghệ; phối hợp triển khai các hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược trong năm 2023.
Chia sẻ về triển vọng phục hồi kinh tế-xã hội và tiềm năng phong phú trong quan hệ giữa hai nước, hai bên nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), trong đó cùng phấn đấu sớm đạt mục tiêu trao đổi thương mại hai chiều 7 tỷ USD như đã được Thủ tướng hai nước thống nhất trong cuộc gặp tháng 12/2022.
Việt Nam đề nghị Italia sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Khẳng định coi trọng thúc đẩy quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ASEAN, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong ASEAN, Thứ trưởng Tripodi khẳng định, Chính phủ Italia ủng hộ thúc đẩy việc sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để thông qua EVIPA và khuyến khích các doanh nghiệp Italia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Thứ trưởng Tripodi đánh giá cao các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 và khẳng định, với vai trò là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong ứng phó biến đổi khí hậu và triển khai các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Italia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Hai Thứ trưởng cũng trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục, du lịch...
Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học-công nghệ, Đối thoại chính sách quốc phòng; sớm thông qua Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2023-2025 và tăng cường hợp tác về bảo tồn di sản, giao lưu nhân dân…
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại các tổ chức của Liên hợp quốc; tăng cường tham vấn, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và Italia.
Trao đổi về tình hình và chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh biển, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).