Giáo dục - Đào tạo

Cô giáo Vàng Thị Chim khát khao đứng lớp

Thanh Hằng 14/04/2022 08:11

“Ngày trước, tôi chọn đi học sư phạm chỉ với suy nghĩ đơn giản, sau này sẽ trở về quê để dạy những đứa trẻ của đồng bào mình. Thế nhưng, bây giờ tôi thất nghiệp rồi, chưa biết khi nào mới trở lại bục giảng…”. Cô giáo Vàng Thị Chim (SN 1993) tâm sự khi vừa kết thúc hợp đồng giảng dạy tại Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong). Trước đó, cô giáo Chim là nữ giáo viên người Mông đầu tiên ở vùng đất khó này tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học Đại học Tây Nguyên.

hinh-7(1).jpg

Lỡ cơ hội xét tuyển viên chức

Cô giáo Chim là nữ giáo viên người Mông đầu tiên ở vùng đất khó này tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học Đại học Tây Nguyên.

hinh-8(1).jpg
Sau khi kết thúc hợp đồng giảng dạy, cô Vàng Thị Chim trở về với công việc nương rẫy của gia đình.

Trở về quê sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, con đường đi dạy của cô giáo Chim vô cùng trắc trở. Đã có lúc, nữ giáo viên này chấp nhận vượt những đoạn đường đất đá trơn trượt để đứng lớp, nhưng vì quy định không được hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế, ước mơ đứng trên bục giảng của cô giáo Chim phải tạm gác lại trước nỗi lo cơm áo cho cả gia đình.

Giữa cái nắng gắt cuối mùa khô, căn nhà gỗ đơn sơ của vợ chồng cô giáo Vàng Thị Chim càng ngột ngạt, nóng bức. Bên trong nhà, chỉ có chiếc máy tính xách tay là giá trị nhất. Cô giáo Chim nói rằng, chiếc máy tính ấy là vật dụng mà cô cố giữ lại với hy vọng “một ngày nào đó sẽ được tiếp tục sử dụng để soạn giáo án”.

img_0345.jpg
Theo cô giáo Chim, uớc mơ trở thành cô giáo nhen nhóm trong cô từ năm học lớp 6.

Trở về quê sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, con đường đi dạy của cô giáo Chim vô cùng trắc trở. Đã có lúc, nữ giáo viên này chấp nhận vượt những đoạn đường đất đá trơn trượt để đứng lớp, nhưng vì quy định không được hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế, ước mơ đứng trên bục giảng của cô giáo Chim phải tạm gác lại trước nỗi lo cơm áo cho cả gia đình.

Cô giáo Chim kể, gia đình đông con lại ít đất sản xuất nên bố mẹ từng muốn cô nghỉ học để lập gia đình từ năm lớp 9 nhưng khi ấy cô quyết không nghe theo sự sắp đặt mà xin học tiếp THPT. Tốt nghiệp THPT, cô gái trẻ trở thành sinh viên ngành sư phạm của Đại học Tây Nguyên và là một trong số ít những cô gái của bản Mông bước chân lên thành phố, nuôi dưỡng giấc mơ thoát nghèo từ con đường học vấn.

img_0063.jpg
Con đường cô giáo Chim từng đi qua trong năm học 2020-2021.

Theo cô giáo Chim, uớc mơ trở thành cô giáo nhen nhóm trong cô từ năm học lớp 6. Nhìn những đứa trẻ trong thôn sớm nghỉ học để lập gia đình, rồi chỉ hơn một năm sau đã có con bồng bế, cô càng quyết tâm phải đi học.

Năm 2016, cô giáo Chim tốt nghiệp đại học và trở thành nữ giáo viên tiểu học người Mông duy nhất tại xã Đắk R'măng. Thời điểm đó, dù ngành Giáo dục liên tục thiếu giáo viên song cô giáo Chim vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng thời vụ do không có chỉ tiêu biên chế. Đến năm 2019, cô giáo Chim nghỉ dạy vì trường không được hợp đồng với giáo viên đứng lớp.

Năm 2020, điểm Trường tiểu học La Văn Cầu được xây dựng tại cụm dân cư số 8. Vì tất cả học sinh là con em đồng bào Mông nên cô giáo Chim tiếp tục được nhà trường hợp đồng đứng lớp tại điểm trường này. Nữ giáo viên 29 tuổi cùng thầy giáo Lý Văn Lả (đã nghỉ việc) cũng là những giáo viên đầu tiên đến với cụm dân cư số 8 sau gần 20 năm “khát chữ” của đồng bào nơi đây.

Tôi vẫn nhớ như in ngày vào cụm dân cư số 8 để dạy học. Những đôi mắt thơ ngây của học trò cùng với mong mỏi, niềm tin mà phụ huynh gửi gắm, cả tôi và thầy Lả đều động viên nhau cố gắng đứng lớp. Không có nước sạch, chúng tôi đi đến nhà dân xin từng can về cho học trò sử dụng, bữa trưa của hai thầy cô cũng chỉ là bánh mì hoặc mì tôm. Dù khó khăn nhưng chúng tôi rất hạnh phúc vì thấy được tinh thần học tập của các em học sinh”, cô giáo Chim nói.

img_0180.jpg
Điểm trường Tiểu học La Văn Cầu tại cụm dân cư số 8, xã Đắk R'măng nơi cô giáo Chim từng đến dạy học.

Một năm học, đều đặn mỗi ngày cô giáo Chim một mình vượt con đường dài gần 20 km để vào điểm trường. Gọi là đường nhưng đây hoàn toàn là những lối mòn do người dân tự mở, chạy qua thung lũng sâu, rồi lại len lỏi vào vườn cà phê. Rời nhà khi mặt trời chưa thức giấc, đến khi trở về nhà cũng là lúc cả bản đã lên đèn, song những vất vả ấy không dập tắt được khát khao đứng lớp của cô giáo Vàng Thị Chim.

“Dạy học được vài tháng, tôi có thai. Tuy nhiên kết thúc năm học, do sức khỏe yếu nên tôi không giữ được con, dù thai đã được 26 tuần tuổi. Đúng thời điểm đó, huyện xét tuyển viên chức ngành Giáo dục, tôi bỏ lỡ cơ hội của chính mình khi đang nằm viện điều trị”, cô giáo Chim nghẹn ngào kể lại.

hinh-4-1-.jpg
Đúng thời điểm xét huyện tuyển viên chức ngành Giáo dục, tôi bỏ lỡ cơ hội của chính mình khi đang nằm viện điều trị.

Cô giáo Vàng Thị Chim thật thà tâm sự rằng, đối với một giáo viên vùng cao, nhất là giáo viên đồng bào dân tộc thiểu số, được trở thành viên chức, không phải lo lắng chuyện hợp đồng mỗi năm học, đó không chỉ là mục tiêu mà là ước mơ.

Sẽ có người cho rằng, nếu không được vào biên chế, thì tôi vẫn có thể đi dạy. Tuy nhiên hiện nay có quy định, không được hợp đồng chuyên môn ngoài chỉ tiêu biên chế nên nhà trường cũng không thể ký hợp đồng giảng dạy. Từ tháng 11/2021, tôi thất nghiệp, không còn làm giáo viên nữa”, nữ giáo viên bật khóc, nói về ước mơ dang dở của mình.

hinh-4-2-.jpg

Ấp ủ hy vọng trở lại bục giảng

Sau gần nửa năm thất nghiệp, cô giáo Chim cùng chồng đi làm thuê khắp nơi để chăm lo cho gia đình nhỏ. Nữ giáo viên không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy những người bạn cùng tuổi, cùng học đại học bây giờ đã có việc làm ổn định, trong khi con đường đến trường của mình lại gập ghềnh, bấp bênh và chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Cô giáo Chim kể lại: “Nhiều hôm đi chợ, có người nói ra nói vào bảo rằng tại sao đi học mà giờ không đi làm. Nghe câu nói ấy, tôi cũng hiểu rằng, họ lo cho mình và lo cho cả những đứa con của họ. Vào đại học nhưng không tìm được việc làm như tôi thì người dân trong thôn sẽ không cho những đứa trẻ đi học nữa. Đơn giản là họ sợ hai chữ “thất nghiệp !”.

hinh-3(1).jpg
Hàng ngày, nữ giáo viên vẫn dạy học những đứa trẻ trong vùng như cách để khỏa lấp nỗi nhớ nghề.

Nói thêm về mong ước của mình, cô giáo Chim bộc bạch, trưởng thành trong môi trường sư phạm, lại là người Mông, bản thân chỉ mong muốn được trở lại bục giảng. Dẫu rằng cơ hội được trở thành viên chức ngành Giáo dục là rất thấp, song suốt thời gian qua, cô giáo Chim vẫn không từ bỏ hy vọng. Hàng ngày nữ giáo viên vẫn cố gắng chạy qua ngôi trường từng gắn bó, gặp lại những học trò cũ của mình như cách khỏa lấp nỗi nhớ nghề.

Theo thầy giáo Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu, điểm trường cụm dân cư số 8 hiện đang có hơn 100 học sinh lớp 1 và lớp 2. Theo quy định, với số học sinh này sẽ cần 6 giáo viên đứng lớp, nhưng hiện nay tại điểm trường chỉ có 2 cô giáo. Bên cạnh đó, tại điểm trường chính cũng thiếu khoảng 5 giáo viên do thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

img_0078.jpg
Theo thầy Hà Hữu Phong, Trường tiểu học La Văn Cầu nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.

“Việc thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay, mỗi năm nhà trường được bổ sung thêm một số giáo viên nhưng vẫn không đủ. Theo quy định, không được hợp đồng chuyên môn ngoài chỉ tiêu biên chế nên hiện nay nhà trường không thể ký hợp đồng lao động với các giáo viên”, thầy giáo Phong cho hay.

Nói thêm về trường hợp của cô giáo Chim, thầy giáo Phong cho biết, trước đây cô Chim tình nguyện vào điểm trường để dạy. Sau một năm, vì quy định không được hợp đồng nên cô đã nghỉ dạy.

“Việc cô giáo người Mông nghỉ việc khiến việc dạy học tại điểm trường gặp những khó khăn nhất định vì 100% học sinh là đồng bào Mông. Bản thân cô giáo Chim là người có năng lực, lại gần gũi học trò nên nhà trường rất hy vọng, nếu được bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế, cô giáo có cơ hội trở lại dạy học”, Hiệu trưởng Hà Hữu Phong nói thêm.

hinh-2(1).jpg
Cô giáo Chim được đánh giá là giáo viên có năng lực chuyên môn, phù hợp với việc dạy học cho học sinh vùng đồng bào Mông.

Gian nan dạy chữ học trò vùng cao

Hiện tại, điểm Trường tiểu học La Văn Cầu tại cụm dân cư số 8 có hai cô giáo là H’Soàn và H’Hà (người M’nông) đứng lớp. Với số lượng học sinh như hiện tại, theo quy định sẽ phải học 2 buổi/ngày nhưng do không đủ giáo viên, nên học sinh chỉ học 1 buổi/ ngày.

img_0564.jpg
Điểm trường Tiểu học La Văn Cầu hiện có hơn 100 học sinh, tất cả đều là người Mông.

Đường đi lại trắc trở, lại chưa có điện, nước sạch nên hai nữ giáo viên chọn cách ở lại trường để dạy học và chỉ về nhà vào cuối tuần. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất tại điểm trường này là vấn đề giao tiếp của học trò, khi 100% học sinh là người Mông.

“Các em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Mông và vốn tiếng Việt rất hạn chế. Nếu có một giáo viên người Mông đứng lớp tại điểm trường này, việc dạy học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, cô giáo H’Hà cho hay.

Thanh Hằng