Giáo dục - Đào tạo

Xu hướng chọn ngành, chọn nghề năm 2023

Thanh Hằng - Hoàng Hoài 31/03/2023 07:54

Năm học 2022 - 2023 đã đi được hơn một nửa chặng đường, thời điểm này, các em học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn chọn nghề, chọn ngành, định hướng cho tương lai của bản thân. Bên cạnh chọn ngành đang “khát” nguồn nhân lực, học sinh cũng cân nhắc kỹ các ngành phù hợp với năng lực bản thân.

Chọn nghề phù hợp năng lực, đam mê

Hiện là học sinh lớp 12 của Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa), sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến và nghe tư vấn từ thầy cô giáo, những anh chị đi trước, em Nguyễn Đức Vượng đã quyết định sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành Truyền thông đa phương tiện.

Đức Vượng chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, em luôn ước mơ sau này mình sẽ được làm việc liên quan đến công nghệ thông tin, sáng tạo các sản phẩm thuộc lĩnh vực truyền hình, giải trí. Để theo đuổi đam mê này, nhiều năm nay, Vượng luôn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng như tiếp cận với công nghệ thông tin như tập tành học thiết kế đồ họa, sản xuất video, clip ngắn… theo hướng dẫn trên internet.

Vượng cho biết: “Tôi thấy học truyền thông đa phương tiện đòi hỏi người học phải sáng tạo, biết ứng dụng được các phần mềm liên quan về thiết kế, trình bày tác phẩm, đồ họa, đặc biệt là cập nhật liên tục các xu hướng của thời đại. Do đó, ngoài việc học tập các bộ môn theo quy định, mỗi lúc rảnh rỗi, tôi đều tự lên mạng tìm hiểu thêm về ngành nghề, kiến thức liên quan để có thể tự tin, mạnh dạn và “cháy” với đam mê”.

213727hinh-hoc-sinh-thi-tot-nghiep(1).jpg
Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Đắk Nông.

Cũng như Vượng, năm học cuối cấp, ngoài việc ôn tập các môn văn hóa để chuẩn bị thi hết học kỳ cũng như tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Đào Minh Phúc, học sinh Trường THPT Gia Nghĩa thường xuyên tìm hiểu, lựa chọn cho mình ngành nghề phù hợp. Vốn đam mê với toán học, nên Phúc quyết định sẽ chọn ngành liên quan đến kinh tế.

Phúc chia sẻ: “Sau khi được tham khảo ý kiến của thầy cô, gia đình và đam mê của mình, tôi quyết định chọn ngành học thuộc khối Kinh tế để đăng ký cho đợt xét tuyển sắp tới. Tôi nghĩ nếu học ngành này, sẽ có cơ hội để trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, khả năng có việc làm và tự tạo việc làm cho mình cũng tốt hơn”.

Chọn ngành phù hợp năng lực, sở trường và đam mê cũng là điều mà em Nguyễn Thị Bảo Trang, học sinh khối 12, Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) quan tâm. Qua xem xét, Trang quyết định sẽ chọn ngành Kế toán. Theo Trang đây là một ngành không phải mới, cũng không phải là ngành “hot” thời gian qua, nhưng khi ra trường, có thể làm việc ở nhiều môi trường khác nhau.

“Trước khi chọn nghề, tôi cũng trăn trở, suy nghĩ nhiều. Ban đầu, tôi cũng dự định sẽ chọn một số ngành nghề kinh doanh, nhưng suy xét nhiều điều nên quyết định chọn học kế toán. Sau khi tốt nghiệp ngành học này, kiến thức không để làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mà ngay trong gia đình cũng có thể vận dụng được. Tôi nghĩ nếu mình biết phát huy năng lực thì chắc chắn sẽ không thất nghiệp sau khi ra trường”

Nguyễn Thị Bảo Trang, học sinh khối 12, Trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông

Việc làm là yếu tố quyết định

Theo lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh, từ đầu tháng 3, các trường đã phối hợp với nhiều trường cao đẳng, đại học để tư vấn tuyển sinh cho học sinh. Việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp rất quan trọng trong việc định hướng, quyết định tương lai của các em. Không thể chạy theo xu hướng, chọn ngành nghề phải phù hợp với nhu cầu của xã hội, năng lực của bản thân và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ, khối ngành Kinh tế, Công an, Quân đội và Y tế vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của thí sinh thuộc nhóm học lực tốt. Kế đến là khối ngành Công nghệ, Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ dành cho nhóm thí sinh đặc thù, có sở trường ở một số môn học. Đặc biệt, trong thời gian qua Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được công nhận, nhiều thí sinh đã lựa chọn học Ngôn ngữ hoặc Du lịch lữ hành. Việc lựa chọn này xuất phát từ những điều kiện thực tế, cho thấy các em đã tìm hiểu kỹ nhu cầu của xã hội trong khoảng 5 năm tới.

Cô Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô (Krông Nô)

Cô Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, khối ngành Kinh tế vẫn được học sinh lựa chọn nhiều nhất. Trong khi đó, khối ngành Sư phạm hầu như “vắng bóng” thí sinh đăng ký, một phần nguyên nhân là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, ra trường.

Trong khi đó, thầy giáo Vương Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Cư Jút) cho biết, học sinh khối 12 của trường được tư vấn, phân thành 2 luồng. Đối với những học sinh có học lực khá và tốt sẽ được định hướng đi học tiếp cao đẳng, đại học. Đối với những em có học lực trung bình trở xuống, được tư vấn học nghề phù hợp với năng lực.

Theo thầy Trung, khối ngành Kinh tế vẫn là sự lựa chọn của đa số học sinh khi học cao đẳng, đại học, sau đó là khối ngành Công nghệ thông tin. Hai năm gần đây khi một số trường đại học mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, một số học sinh trong trường đã đăng ký theo học.

Riêng đối với luồng học sinh lựa chọn học nghề, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu thông tin: “Nhóm ngành học thu hút học sinh đăng ký nhất đó là Cơ khí, Điện Công nghiệp và Nông nghiệp... Trong khi học nghề, các em sẽ được thực hành nhiều hơn thay vì học lý thuyết hàn lâm đồng thời có cơ hội việc làm sớm hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện tại đó là nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay của xã hội”.

Để học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, trong những năm qua ngành Giáo dục - Đào tạo thường xuyên triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông. Thông qua đó, phụ huynh và học sinh đã có nhận thức đúng đắn về học nghề trong việc giải quyết việc làm, giảm bớt tâm lý nặng bằng cấp.

Bên cạnh đó, với việc chuyển đổi phương châm, đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần, các trường cao đẳng, đại học cũng dần thay đổi phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều ngành nghề truyền thống, ngành nghề có tỷ lệ việc làm thấp có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh thậm chí là “đóng cửa”, thay vào đó, các cơ sở giáo dục sẽ mở những ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê kết quả trúng tuyển đại học theo lĩnh vực của Bộ GD-ĐT năm 2022, có 4 nhóm ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhất, đó là Kinh doanh và quản lý (26%); Máy tính và công nghệ thông tin (13%); Công nghệ kỹ thuật (9%); Nhân văn (9%).

Thanh Hằng - Hoàng Hoài