Bộ Tài chính nói về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Chính sách - Ngày đăng : 19:39, 30/03/2023

Tại buổi họp báo quý I do Bộ Tài chính tổ chức chiều 30/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã trả lời báo chí về sửa thuế thu nhập cá nhân; thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); kết quả triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bộ Tài chính nói về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trả lời báo chí.

Bộ Tài chính đã báo cáo về thuế tối thiểu toàn cầu

Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, “thuế tối thiểu toàn cầu của OECD” hay còn được gọi là Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ phải chịu thuế thu nhập ít nhất là 15%.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, đối với nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng và đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD vào tháng 8/2022, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng. 

Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt này do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.

Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác đặc biệt với các bộ, ngành có liên quan để triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu. 

Ngày 17/3/2023, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ nội dung về thuế suất tối thiểu toàn cầu. 

Hiện tại, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. 

Ngày 28/3/2023, Tổng cục Thuế đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp có khả năng chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Nghiên cứu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, bao gồm cả những nước có đầu tư ra nước ngoài và những nước nhận đầu tư từ nước ngoài, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Đồng thời, nghiên cứu hướng dẫn của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, quyết định việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam cho phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.

Bộ Tài chính nói về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 2.

Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề rất mới và quan trọng

Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề rất mới và quan trọng. 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác và Bộ Tài chính đã có Tổ giúp việc đánh giá tác động của chính sách này. 

Đồng thời, đề xuất giải pháp làm sao tận dụng được lợi thế, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của chính sách này.

"Vì là vấn đề mới nên Bộ Tài chính đề nghị các nhà báo, cơ quan báo chí với thông tin có được đóng góp cho Bộ Tài chính, Chính phủ xem nên làm như thế nào để đạt được các mục tiêu", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị.

Hơn 3 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành

Liên quan đến kết quả triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện hệ thống hóa đơn điện tử của ngành thuế đã có trên 3 tỷ hóa đơn được phát hành.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đây là thành tích đáng ghi nhận nhưng cũng tạo sức ép rất lớn về mặt quản lý đối với cơ quan thuế, đặc biệt là  quản lý rủi ro về hóa đơn điện tử. 

Vì vậy, Tổng cục Thuế đang khẩn trương thực hiện các giải pháp trong trong công tác phân tích thông tin đánh giá nhà đầu tư có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn để áp dụng thống nhất trong quản lý hóa đơn điện tử.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, bên cạnh việc quản lý, vận hành hệ thống hóa đơn điện tử để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, tin cậy, hóa đơn được cấp mã kịp thời, thông tin gửi nhận được đầy đủ, ngành thuế đã tăng cường kiểm soát tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh đối chiếu thông tin giữa hóa đơn và tờ khai giá trị gia tăng, đảm bảo doanh nghiệp khai đúng, đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng,  phục vụ kiểm soát thông tin hóa đơn điện tử để các dấu hiệu cảnh báo sớm và phát hiện các hiện tượng sử dụng hóa đơn điện tử sai quy định, để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc áp dụng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong sử dụng hóa đơn, nhằm phát hiện các trường hợp rủi ro cao phải kiểm tra, thanh tra. Dự kiến triển khai đầu tháng 5/2023.

Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát, thông qua hệ thống hóa đơn điện tử và dữ liệu lớn (big data) của ngành thuế để phân loại nhằm đưa ra các trường hợp cần giám sát, kiểm tra thường xuyên để phát hiện các trường hợp rủi ro nghi ngờ gian lận hoàn thuế (theo mặt hàng, theo trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng rủi ro, có hồ sơ hoàn…)

Bộ Tài chính nói về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 3.

Phát hiện gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng

Về hoàn thuế giá trị gia tăng, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành thuế đã và đang triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật đối với tất cả các ngành hàng, nhất là đối với lĩnh vực hoàn thuế xuất nhập khẩu.

Đối với những phản ảnh về việc hoàn thuế đối với ngành hàng dăm gỗ,… Phó Tổng cục trưởng cho biết, thời gian vừa qua, thông qua quản lý thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng, ngành thuế đã phát hiện vấn đề gian lận trong hoàn thuế. 

Để đảm bảo an toàn cho ngân sách nhà nước, ngành thuế đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, hải quan và các đơn vị chức năng; trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nước ngoài để xác minh làm rõ những gian lận (nếu có).

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, việc quản lý hoàn thuế đều đã có quy định hết sức chặt chẽ của pháp luật, ngành thuế luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thuế. 

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, tránh những sai sót hoặc tình trạng gian lận dẫn đến không thể thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

17 nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân

Đối với phản ánh về việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Tổng cục Thuế đã triển khai khảo sát, đánh giá và đã có báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ 17 nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Hiện Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội chấp thuận việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025 theo đúng trình tự Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ. 

Trong đó, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026)./.