Cảng biển đặc biệt Việt Nam đón Siêu tàu lớn nhất thế giới
Chính sách - Ngày đăng : 16:50, 30/03/2023
Siêu tàu OOCL Spain chở được 146km container
Theo đó, tàu container OOCL Spain có trọng tải lên đến 225.000 tấn và chở được 24.188 TEU. Để dễ hình dung số lượng container mà tàu này chở được, cảng Gemalink cho biết nếu container được xếp nối tiếp nhau thì dài đến hơn 146km.
Đây là chuyến hành trình đầu tiên của tàu OOCL Spain trên tuyến Á - Âu LL3 đi qua các cảng biển của Trung Quốc, ghé Cái Mép rồi theo các hải trình Singapore - Piraeus - Hamburg - Rotterdam - Zeebrugge - Valencia - Piraeus - Abu Dhabi - Singapore - Thượng Hải. Hành trình kéo dài 84 ngày.
Với sức chở lên đến 24.188 Teu, tổng chiều dài 399,99 m và rộng 61,3 m, cùng mớn nước tàu vào -15 m và mớn nước tàu ra -15,5 m, OOCL Spain được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.
Đây là con tàu mới nhất vừa được xuất xưởng vào ngày 16/2/2023, có sức chở theo Teu nằm trong những tàu lớn nhất thế giới, được Cục Vận chuyển Hoa Kỳ ("ABS") trao tặng 3 chứng nhận "Tàu thông minh (Smart Ship)" thân thiện với môi trường và là tàu container lớn nhất từ trước đến nay cập hệ thống cảng Việt Nam.
Tàu OOCL Spain vào cảng Cái Mép đã bốc xếp khoảng 2000 Teu hàng hóa.
Phát biểu tại buổi lễ đón tàu, ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch Cảng Quốc tế Gemalink, gửi lời tri ân sâu sắc đến hãng tàu Cosco-OOCL và các hãng tàu đối tác luôn tin tưởng Cảng Gemalink nói riêng và Gemadept nói chung trong suốt những năm qua.
Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt của quốc gia;
Phát triển ngành cảng biển và hậu cần cảng Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác phát triển.
Đồng thời kết hợp chặt chẽ phát triển cảng biển và hậu cần cảng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển.
Mở ra giai đoạn phát triển mới cho hàng hải Việt Nam
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản ủng hộ chủ trương điều chỉnh quy hoạch Bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT, cũng như thống nhất chủ trương cho phép tàu OOCL Spain có trọng tải đến 232.495 DWT ra, vào bến cảng.
Sự kiện tiếp nhận tàu OOCL Spain cập cảng Gemalink được đánh giá là sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới của cụm cảng Cái Mép và ngành hàng hải Việt Nam nói chung.
Ngày 18/2 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số "0" vào khu bến cảng container Cái Mép.
Trong đó, cải tạo mở rộng luồng tàu đoạn luồng từ phao số "0" đến cảng CMIT, chiều dài nâng cấp 30,5 km với bề rộng đáy luồng 350 m và độ sâu -15,5 m. Đồng thời, thiết lập vũng quay tàu tại ngã ba sông Thêu (hạ lưu cảng SSIT) đường kính 700 m và tại ngã ba sông Gò Gia đường kính 600 m, độ sâu -15,5 m.
Dự án dự kiến hoàn thành thi công trong năm 2024, đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 200.000 DWT/18.000 Teu giảm tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) khai thác một chiều.
Có độ sâu khu nước trước bến đến -16,5 m, Cảng nước sâu Gemalink là một trong những cảng biển có mớn nước sâu nhất Việt Nam hiện nay.
Với thông số kỹ thuật này, cảng là một trong số ít các cảng biển trên thế giới tiếp nhận được các hãng tàu mẹ có tải trọng lên đến 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động.
Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt; 11 cảng biển loại I
Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg, ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục 34 cảng biển, Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển TP Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.
7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.
Danh sách 14 cảng biển: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang là cảng biển loại III.
Tiêu chí phân loại cảng biển
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2021/NĐ-CP ngày 28/7/2021 quy định tiêu chí phân loại cảng biển. Theo Nghị định này, tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam gồm tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.
Nghị định quy định việc đánh giá, phân loại cảng biển theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí.
Dựa vào số điểm, cảng biển được đánh giá và phân thành 4 loại, đó là cảng biển đặc biệt: Có tổng số điểm chấm đạt trên 90 điểm; cảng biển loại I: Có tổng số điểm chấm đạt trên 70 điểm đến 90 điểm; cảng biển loại II: Có tổng số điểm chấm đạt từ 50 điểm đến 70 điểm; cảng biển loại III: Có tổng số điểm chấm dưới 50 điểm./.