Gian nan chuyển đổi năng lượng

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:54, 30/03/2023

Chuyển đổi năng lượng - Đảm bảo một tương lai xanh" là chủ đề của diễn đàn Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin (BETD) lần thứ 9 đã khai mạc tại thủ đô Berlin của Đức. Chuyển đổi xanh đã trở thành "việc cần làm ngay" của mọi quốc gia, nhưng là hành trình gian nan đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư, hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Diễn đàn Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 9 thu hút sự tham gia của lãnh đạo và phái đoàn cấp cao đến từ trên 60 quốc gia trên thế giới. Xoay quanh chủ đề "Chuyển đổi năng lượng - Đảm bảo một tương lai xanh", các nhà lãnh đạo và giới chuyên gia đã thảo luận sâu về các chiến lược chuyển đổi thông minh hệ thống năng lượng toàn cầu hướng tới trung hòa về khí thải; những nỗ lực chung để xây dựng một nguồn cung năng lượng bền vững, an toàn và độc lập…

Phát biểu khai mạc đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh điều cần làm lúc này là đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu để mọi người có thể hưởng lợi từ việc chuyển đổi, trong đó các nước công nghiệp lớn có trách nhiệm đặc biệt. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nguồn năng lượng tái tạo không chỉ là điều cấp thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu, mà còn mang lại cơ hội kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp và các nước. Bộ trưởng Ngoại giao Đức khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và cho biết, Đức sẽ hỗ trợ các đối tác nắm bắt những cơ hội chuyển đổi năng lượng. Do vậy, những nước đầu tư vào hydro xanh sẽ là "người chiến thắng" trong tương lai.

Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin diễn ra từ năm 2015 theo sáng kiến của Chính phủ Đức và các nhà tài trợ. Trước khi BETD lần thứ 9 diễn ra tại Đức, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh cũng đã trở thành chủ đề "nóng" của nhiều diễn đàn quốc tế và mối quan tâm của nhiều quốc gia, định chế tài chính, trong những tháng gần đây. Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương diễn ra tháng 1 vừa qua ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông John Kerry - Đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Kế hoạch tăng tốc chuyển đổi năng lượng (ETA) đã được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào cuối năm ngoái. Ông nêu rõ mục tiêu của ETA là tạo ra các thỏa thuận khả thi về tài chính để đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm lượng khí thải, đồng thời nhấn mạnh ETA không phải là sự thay thế cho các nguồn tài trợ khác.

Ông Kerry kêu gọi tăng cường đầu tư chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh hồi cuối năm 2022, Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo cần tăng gấp đôi lên hơn 4.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. IEA dự báo đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tăng lên hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, từ năm 2009, các nước phát triển đã cam kết huy động nguồn tài chính khí hậu tổng cộng 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển chưa bao giờ nhận được đầy đủ số tiền 100 tỷ USD như đã hứa.

Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia cũng đã đề xuất và nhất trí về Nguyên tắc chung Bali trong đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Văn kiện nêu trên đề xuất Lộ trình chuyển đổi năng lượng Bali như một sáng kiến nhằm bảo đảm tính liên tục cho chương trình nghị sự toàn cầu về tăng cường hợp tác và cấu trúc năng lượng quốc tế. Lộ trình tạo khuôn khổ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua 3 ưu tiên chính, bao gồm bảo đảm khả năng tiếp cận năng lượng, nâng cấp công nghệ năng lượng sạch và thông minh, và thúc đẩy tài chính năng lượng sạch.

Chuyển đổi năng lượng cũng đã nhận được sự quan tâm và "sự vào cuộc" của các ngân hàng. Mới đây, Giám đốc điều hành Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) chi nhánh Nam và Đông Địa Trung Hải Heike Harmgart cho biết, tổ chức tài chính này cam kết hỗ trợ Ai Cập khoản tiền lên tới 1 tỷ USD để thúc đẩy năng lượng tái tạo. EBRD cũng sẽ huy động 300 triệu USD từ các đối tác nước ngoài để hỗ trợ đầu tư cho các dự án như ổn định lưới điện, bổ sung kho dự trữ pin, phát triển chuỗi cung ứng địa phương cho năng lượng tái tạo và thúc đẩy đào tạo nhân lực.

Trong khi đó, riêng khoản hỗ trợ 1 tỷ USD dành cho năng lượng tái tạo mới chiếm một phần 10 số vốn tư nhân cần thiết để thực hiện các dự án sử dụng năng lượng gió. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa cho biết, họ đã thông qua khoản vay 50 triệu USD dành cho Campuchia để hỗ trợ chương trình chuyển đổi năng lượng. Chương trình này hướng tới phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng khi chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch ở Campuchia.

Việc những người có vai trò "thay đổi cuộc chơi" trong chống biến đổi khí hậu như các định chế tài chính, các nước và cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm chuyển đổi năng lượng bền vững là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu thì chuyển đổi năng lượng chiếm tỷ trọng tài chính lớn nhất, nhưng đầu tư tài chính cho lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Theo nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc Mahmoud Mohieldin, chỉ riêng châu Phi đã cần khoảng 1.000 tỷ USD hằng năm để tài trợ cho quá trình chuyển đổi ngành năng lượng và cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng cho 600 triệu dân. Trong khi đó, những nỗ lực cung ứng tài chính từ các nước phát triển hiện nay vẫn chỉ "như muối bỏ bể" so với nhu cầu của các nước đang phát triển. Bởi vậy, chuyển đổi năng lượng nói riêng, chuyển đổi xanh nói chung vẫn đang là một hành trình tốn kém, vô cùng gian nan, đòi hỏi sự hợp tác, nỗ lực nhiều hơn nữa của các định chế tài chính và mọi quốc gia trên thế giới.

THÙY DƯƠNG