Việt Nam-Malaysia gắn kết chặt chẽ để đạt những thành công to lớn hơn
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:15, 30/03/2023
Ngoại trưởng Malaysia Zambry Abdul Kadir. (Nguồn: The Star)
Năm 2023, Việt Nam và Malaysia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/3/1973-30/3/2023).
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Malaysia Zambry Abdul Kadir đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Malaysia về ý nghĩa sự kiện, cũng như những thành tựu hai nước đã đạt được cùng những nhận định về triển vọng hợp tác song phương.
- Ngoại trưởng đánh giá như thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam và Malaysia trong 50 năm qua, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược từ tháng 8/2015?
: Lời đầu tiên, cho phép tôi được gửi lời chúc mừng đến tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng. Cần khẳng định rằng sự sâu sắc trong mối quan hệ song phương Việt Nam-Malaysia nửa thế kỷ qua là rất đáng chú ý và nổi bật.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nổi lên với tư cách là một trong những đối tác gần gũi nhất của Malaysia về kinh tế và xã hội. Sức mạnh của mối quan hệ được phản ánh thông qua việc hai nước đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược vào năm 2015.
Hai nước đã có nhiều hoạt động trong phạm vi của mối quan hệ đối tác chiến lược này theo hướng dẫn của Kế hoạch hành động (POA).
POA đầu tiên là giai đoạn 2017-2019 đã được thực thi thành công, mang lại sự hợp tác mạnh mẽ và cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực.
POA thứ hai là trong giai đoạn 2021-2025 hiện đang được triển khai và liên quan đến các lĩnh vực hợp tác mới đáng chú ý, trong đó có các nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 từ kinh tế và đến y tế công. POA giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai rất tốt.
Tôi hài lòng về tương lai rất hứa hẹn và cả hai nước sẽ tiếp tục gắn kết, thậm chí gắn kết chặt chẽ hơn nữa để đạt được những thành công to lớn hơn.
Chúng ta đang ghi nhận dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương với sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi tin tưởng rằng thời điểm lịch sử này sẽ giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ của hai nước.
- Ngoại trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia?
Ngoại trưởng Zambry Abdul Kadir: Malaysia coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi cam kết vun đắp tình hữu nghị thân thiết và quan hệ song phương với Việt Nam, mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi mà hai bên cùng có lợi.
Malaysia ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong thập kỷ qua. Tôi tin rằng hai nước nên tăng cường quan hệ đối tác kinh tế bằng cách khuyến khích dòng chảy thương mại và đầu tư hơn nữa.
Về vấn đề này, Malaysia luôn sẵn sàng cùng Việt Nam khám phá các cơ hội để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của hai nước.
Malaysia hài lòng về hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Malaysia mong đợi làm mới Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, đã hết hạn vào năm 2018. Chúng tôi hy vọng rằng văn kiện này có thể được ký kết trong năm nay. MoU sẽ cho phép tạo ra khuôn khổ hợp tác có cấu trúc và tập trung hơn giữa hai Bộ Quốc phòng.
Với quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và thực chất trong quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt giữa hai nước. Malaysia cho rằng khuôn khổ hợp tác sẽ tiếp tục là trụ cột định hướng hợp tác giữa hai nước trong những năm sắp tới.
- Theo Ngoại trưởng, đâu là lĩnh vực hợp tác hiệu quả nhất trong mối quan hệ của hai nước? Việt Nam và Malaysia nên làm gì để khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác song phương?
Ngoại trưởng Zambry Abdul Kadir: Chúng tôi cho rằng việc làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước ở tất cả các cấp lãnh đạo và ở tất cả các lĩnh vực như kinh tế và ngoại giao nhân dân là hiệu quả nhất. Điều này là bắt buộc khi cả hai nước cùng nỗ lực hơn nữa để cải thiện lợi ích kinh tế và gắn kết chính trị vì lợi ích của cả hai bên.
Các dự án chung cư cao cấp trong Khu đô thị Gamuda Gaderns tại Hà Nội do Tập đoàn bất động sản Malaysia-Gamuda Land đầu tư. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Chúng tôi dự kiến sẽ có các hoạt động làm sâu sắc thêm sự hiểu biết, tình hữu nghị và sự gắn kết giữa người dân Malaysia và Việt Nam. Tất cả những hoạt động này sẽ góp phần gắn kết hiệu quả hơn giữa người dân hai nước.
Có thể khẳng định Malaysia hài lòng với mối quan hệ song phương tuyệt vời với Việt Nam. Mối quan hệ lâu dài của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm qua. Chúng tôi cam kết làm hết sức mình để tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược, nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở cả hai quốc gia.
- Theo Ngài, các cơ quan truyền thông của hai nước, đặc biệt là Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn quốc gia Malaysia (BERNAMA), có thể làm gì để góp phần nâng cao sự hiểu biết giữa người dân hai nước?
Ngoại trưởng Zambry Abdul Kadir: Khi Việt Nam và Malaysia kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/3/2023, cơ quan thông tấn hai nước cũng đã trải qua hơn 40 năm hợp tác trong lĩnh vực thông tin.
Hãng Thông tấn quốc gia Malaysia (BERNAMA) và Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) lần đầu tiên ký kết Thỏa thuận trao đổi thông tin song phương vào ngày 8/12/1982.
TTXVN có phóng viên thường trú tại Kuala Lumpur trong khi BERNAMA đã từng có phóng viên thường trú tại Hà Nội, từ 21/1/1994 đến 3/1998.
Căn cứ để thiết lập Thỏa thuận trao đổi thông tin giữa hai hãng thông tấn quốc gia dựa trên quan điểm rằng thông qua trao đổi tin tức trực tiếp, người dân Malaysia và Việt Nam sẽ có thông tin trực tiếp về quốc gia của nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp bức tranh tổng thể và chân thực về cả hai nước.
Trong quá khứ, người dân Malaysia theo dõi chặt chẽ và quan tâm đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam (1955-1975). Ngày nay, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự chuyển mình nhanh chóng của đất nước các bạn.
Người dân Việt Nam cũng đã chứng kiến sự tiến bộ nhanh chóng của Malaysia và mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập cao. Những gì người dân ở cả hai quốc gia nhìn nhận về nhau là thông qua các tin tức được hai cơ quan thông tấn quốc gia cung cấp.
Hơn 40 năm qua kể từ khi Thỏa thuận trao đổi thông tin giữa hai hãng thông tấn quốc gia được ký kết, Việt Nam đã nổi lên như nhân tố chủ chốt và là thành viên quan trọng của ASEAN. Nhiều nhà đầu tư Malaysia đã đầu tư vào Việt Nam và đã theo sát sự phát triển, diễn biến tình hình và những cơ hội tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Tổng Biên tập Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (BERNAMA) Khairdzir Md Yunus trao đổi Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giữa 2 hãng thông tấn trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Dato Sri Ismail Sabri bin Yaakob, ngày 21/3/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Qua thông tin do BERNAMA và TTXVN cung cấp, nhân dân hai nước ngày nay nhận thức rõ hơn về tình hình nhân khẩu học, ngôn ngữ, văn hóa cũng như các yếu tố thực phẩm, phong tục, địa điểm du lịch và họ đang được chào đón nồng nhiệt nhất ở mỗi nước.
Tóm lại, cả BERNAMA và TTXVN trong những năm qua đều đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa người dân Malaysia và Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Ngoại trưởng!
Thủ tướng Malaysia Hussein bin Dato Onn tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm hữu nghị chính thức Malaysia, ngày 12/10/1978. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Mahathir Mohamdt thay mặt Chính phủ hai nước ký Hiệp định Thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật Việt Nam-Malaysia, ngày 3/1/1978. (Ảnh: TTXVN)
Quốc vụ khanh Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Tengku Ahmad Rithauddeen Tengku Ismail thăm chính thức Việt Nam, ngày 10/1/1980. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tiếp Phó Thủ tướng Malaysia Abdul Ghafar bin Baba, ngày 27/8/1988. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Phó Thủ tướng Malaysia Abdul Ghafar bin Baba, ngày 27/8/1988. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm chính thức Việt Nam, ngày 21/4/1992. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dự Lễ khai trương hoạt động Ngân hàng Liên doanh Việt Nam-Malaysia VID Public Bank, ngày 21/4/1992. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Abdullah Ahmad Badawi ký Hiệp định về hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật, ngày 20/4/1992. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chủ trì lễ đón Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm chính thức Việt Nam, ngày 19/4/1992. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Vinabumi của Malaysia, ngày 8/3/1996. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Ngày 7/3/1996, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cắt băng khai trương Chi nhánh Ngân hàng Maybank tại Hà Nội. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bấm nút khởi công xây dựng Khu chế xuất Nội Bài, ngày 8/3/1996. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm nhà máy điện tử TAAC-Malaysia, trong chuyến thăm chính thức Malaysia năm 1994. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phu nhân tiếp Thủ tướng Malaysia và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ 7-9/3/1996. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Tập đoàn Gold Hope trong chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 17/3/1998. (Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN)
Ký kết hợp tác giữa Bộ Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục Malaysia trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi, ngày 21/4/2004. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Rais Yatim thăm Việt Nam, ngày 12/11/2008. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chủ trì lễ đón Quốc vương Malaysia Sultan Mizan Zainal Abidin thăm chính thức Việt Nam, ngày 12/3/2009. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Quốc vương Malaysia Sultan Mizan Zainal Abidin thăm chính thức Việt Nam, ngày 12/3/2009. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Quốc vương Malaysia Sultan Mizan Zainal Abidin và Hoàng hậu tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 13/3/2009. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Ngày 8/10/2009, Tập đoàn Hong Leong của Malaysia khai trương Ngân hàng Hong Leong tại Centec Tower, 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM. Đây là một trong những ngân hàng lớn nhất Malaysia và là ngân hàng đầu tiên thuộc khu vực Đông Nam Á lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Petronas (Malaysia) trao cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang số tiền 50.000 USD tặng nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch đến Malaysia, ngày 29/9/2011. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Lễ đón thủy thủ tàu hải quân Malaysia tại Cảng Sài Gòn trong chuyến thăm chính thức 4 ngày tới Việt Nam, ngày 6/10/2011. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Dato Seri Hishammuddin Tun Hussein thăm chính thức Việt Nam, ngày 1/11/2013. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì lễ đón Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak thăm chính thức Việt Nam từ 3-5/04/2014. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang hội đàm với Phó Chủ tịch Đảng UMNO kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi thăm Việt Nam, ngày 14/5/2014. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh tiếp Phó Chủ tịch Đảng UMNO, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi sang thăm Việt Nam, ngày 15/5/2014. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Phiên đàm phán thứ 3 Bản ghi nhớ Việt Nam-Malaysia về việc làm của người lao động Việt Nam tại Malaysia và Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc tuyển dụng và bố trí lao động giúp việc gia đình Việt Nam tại Malaysia, ngày 19/5/2015. (Ảnh: Kim Dung/TTXVN)
Chiều 7/8/2015, tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Razak ký Tuyên bố về khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Sáng 25/11/2017, biên đội tàu Hải quân Hoàng gia Malaysia cập cảng Cát Lái, thực hiện chuyến thăm hữu nghị Tp.Hồ Chí Minh trong 4 ngày. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Thượng viện Malaysia S Vigneswaran M Sanasee trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), ngày 18/1/2018. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chiều 17/9/2018, tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tiếp bà Madinah Binti Mohamad, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia sang Việt Nam dự Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI - XIV). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trải nghiệm nhạc cụ truyền thống Việt Nam, ngày 27/8/2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm Nhà máy Yamaha Motor Việt Nam trong Khu Công nghiệp Nội Bài, ngày 28/8/2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Tổng Biên tập Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (BERNAMA) Khairdzir Md Yunus trao đổi Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giữa 2 hãng thông tấn trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Dato Sri Ismail Sabri bin Yaakob, ngày 21/3/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Malaysia Dato Sri Ismail Sabri bin Yaakob thăm chính thức Việt Nam, ngày 21/3/2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Malaysia Dato Sri Ismail Sabri bin Yaakob thăm chính thức Việt Nam, ngày 21/3/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Malaysia Dato Sri Ismail Sabri bin Yaakob thăm chính thức Việt Nam, ngày 21/3/2022. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng lãnh sự Wong Chia Chiann và các nhân viên Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP Hồ Chí Minh nhận sách giới thiệu về Tết truyền thống Việt Nam tại buổi họp mặt kỷ niệm lần thứ 65 ngày Quốc khánh Malaysia, ngày 9/9/2022. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai là nhân viên Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, ngày 16/9/2021. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Dây chuyền chiết nạp gas tại nhà máy của Công ty liên doanh khí hóa lỏng Thăng Long, Liên doanh giữa Tổng công ty khí Việt Nam và Công ty dầu khí Malaysia. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Công ty TNHH cơ khí Hàng hải (Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC) đóng mới giàn khoan dầu khí cho Công ty PETRONAS của Malaysia. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang thị trường Malaysia tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Sáng 8/4/2019, chuyến bay số hiệu AK 575 của Hãng hàng không AirAsia (Malaysia) từ Kuala Lumpur hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Cần Thơ, đánh dấu lịch sử là chuyến bay quốc tế đầu tiên kết nối Cần Thơ bay thẳng đến Malaysia. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ngân hàng Hong Leong (Hong Leong Bank), 100% vốn đầu tư của Malaysia, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Các dự án chung cư cao cấp trong Khu đô thị Gamuda Gaderns tại Hà Nội do Tập đoàn bất động sản Malaysia-Gamuda Land đầu tư. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Trung tâm điện lực Duyên Hải và dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 do tập đoàn Janakuasa Malaysia đầu tư theo hình thức BOT. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Từ năm 2016 đến nay, Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong các nước Đông Nam Á (ASEAN). Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh khi thâm nhập vào Maylaysia như gạo, trái cây, rau củ, thủy hải sản, hạt tiêu, càphê… (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Ngày 14/4/2022, 9 module đầu tiên nặng 709 tấn do Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) sản xuất, lên tàu vận chuyển đến Nhà máy lọc hóa dầu Sarawak của Malaysia. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)