Nông nghiệp - Nông thôn

Mật ong nguyên chất Đắk Mil

Nam Nguyễn 30/03/2023 05:00

Đưa ong đến những triền đồi hút mật vào những mùa hoa cà phê tháng 3 nở rộ, ông Nguyễn Ngọc Phúc, ở thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã tạo ra mật ong có một không hai, mang lại lợi nhuận kinh tế cao và trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Đắk Mil.

ongdakmil-2-2437x1621(1).jpeg
Ông Phúc thường tự gây ong chúa và thay ong chúa thường xuyên giúp đàn ong sinh sản tốt

Ông Phúc quê Đồng Nai. Trước khi đến với Đắk Mil, ông đã có 35 năm kinh nghiệm với nghề nuôi ong. Năm 1994, ông chọn vùng đất Đắk Mil làm điểm dừng chân để phát triển nghề nuôi ong. Ngoài lợi ích kinh tế, việc nuôi ong còn đem lại cân bằng sinh thái môi trường, thụ phấn cho cây trồng, làm tăng năng suất, sản lượng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Phúc đánh giá hoa cà phê có lượng mật chất lượng cao, giàu tiềm năng thích hợp để nuôi ong nên mỗi năm ông Phúc nghiên cứu tạo ong chúa để tách đàn, mở rộng quy mô. Mỗi thùng ong, trung bình một năm ông thay ong chúa 2 lần để ong sinh sản mạnh, đảm bảo giống tốt và cho lượng mật nhiều.

mat-ong-nguyen-chat-dak-mil-1-.png
Đồ họa: Nam Nguyễn

Bên cạnh đó, ông Phúc còn dành nhiều thời gian quan sát, làm vệ sinh thường xuyên, không để kiến, gián và các loại côn trùng vào thùng, gây hại cho đàn ong.

Ông Phúc chia sẻ: Nghề nuôi ong chi phí bỏ ra ban đầu thấp, không cần đầu tư vốn nhiều mà chỉ cần nắm vững kỹ thuật, tập tính con ong để chăm sóc, quản lý, nhất là việc chia tách đàn mỗi khi đàn ong quá đông. Nuôi ong muốn mật nhiều và chất lượng tốt thì không thể ở yên một chỗ nên ngoài nuôi tại vườn nhà, ông Phúc còn di chuyển đàn ong đến các hộ dân trong xã, nơi có nhiều nguồn hoa để ong có nguyên liệu làm mật.

Mùa thu hoạch ong từ tháng 2 dương lịch đến tháng 6 dương lịch, khoảng thời gian này nhiều hoa nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Đó là thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc, ong sẽ lấy mật nhanh và đàn ong phải khỏe mạnh, trong thùng phải đảm bảo có từ 8 đến 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh. Qua tháng 6 dương lịch, hết mùa hoa là giai đoạn chăm sóc, dưỡng ong, ngoài nguồn thức ăn từ thiên nhiên, người nuôi cần cho ong ăn thêm đường, phấn hoa để đảm bảo chất dinh dưỡng, cho ăn phát triển tốt.

z4173539301638_449e18363d5dc7092d10d5df7551f469(1).jpg
Mật ong sau thu hoạch được ông Phúc đóng chai theo quy trình an toàn đạt chuẩn quốc tế.

Ông Phúc nhận thấy ưu điểm của nghề nuôi ong là chi phí đầu tư ít, không mất nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn chính của ong là mật của các loài hoa. Bởi vậy, người nuôi ong phải lựa chọn địa điểm đặt đàn ong gần nguồn mật phấn hoa.

Loài hoa để ong lấy mật tốt nhất và ngon nhất là hoa cà phê. Thế nhưng mật ong lấy từ hoa cà phê chỉ bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 3, thời điểm hoa cà phê nở rộ, trắng xóa các triền đồi.

Ông Phúc hiện có gần 1.000 thùng ong được đặt nhiều nơi, gần các rẫy cà phê vụ hoa nở. Theo ông Phúc, mật ong hoa cà phê mà ông sản xuất là mật nguyên chất. Bởi vào giai đoạn hoa cà phê nở rộ, ông đặt các thùng ong ngay tại rẫy cà phê để giúp chúng lấy mật.

Mỗi mùa hoa cà phê, ông Phúc có thể sản xuất được từ 9 - 10 tấn mật ong. Để chất lượng mật bảo đảm tự nhiên, tránh rủi ro chết đàn, mật bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, ông đi khảo sát nhiều ngày để đánh giá độ an toàn vùng nuôi. Đáng tự hào là chất lượng mật ong hoa cà phê luôn đứng ở vị trí thứ nhất so với mùa hoa khác. Do đó, mật ong hoa cà phê luôn được người nuôi dành riêng để bán với mức giá cao hơn, và hiệu quả kinh tế cũng tăng theo.

Với kinh nghiệm nuôi và tiêu thụ sản phẩm ong mật, ông có thể phân biệt sự khác nhau giữa mật ong hoa cà phê với các loại mật ong từ loài hoa khác.

Mật ong hoa cà phê có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị không ngọt gắt, độ đặc quánh và không bị ngả màu hay bị đóng đường dù để lâu ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, 

thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông

Sản phẩm mật ong của gia đình ông được sản xuất và đóng gói với nhãn hiệu "Mật ong Đắk Mil". Sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP. Năm 2021, sản phẩm "Mật ong Đắk Mil" của ông Phúc đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Bên cạnh việc nuôi theo công nghệ cao, ông Phúc thành lập Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Gia và đầu tư máy lọc, máy đóng chai... để thực hiện các khâu chiết xuất, chế biến mật ong.

Nam Nguyễn