Những ngôi trường vắng bóng học sinh (bài 1): Trường học bỏ hoang
Trong khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn thiếu trường, thiếu lớp, học sinh phải học tạm trong những phòng học xuống cấp, mượn cơ sở vật chất của địa phương để duy trì việc dạy và học thì ở một số địa phương của tỉnh nghèo này , lại có những trường học được được đầu tư hàng chục tỉ đồng, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng lại bỏ hoang suốt nhiều năm.
Trường THPT xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông được xây dựng khang trang, với tổng số vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng, nhưng từ khi hoàn thành đến nay chưa sử dụng đúng mục đích ban đầu. Trong khi đó, hàng trăm học sinh ở xã biên giới này vẫn phải di chuyển cả chục cây số để đi học.
Trường gần nhưng phải đi học xa
Nằm cách trụ sở UBND xã chỉ vài trăm mét, Trường THPT Đắk Wil được xây dựng trên khu đất rộng ngay trung tâm xã. Công trình gồm 2 tòa nhà khang trang màu trắng hồng nằm lọt giữa bãi đất rộng. Khoảng sân phía trước cỏ mọc dày kín cao ngang người. Dưới chân tòa nhà, những đống xà bần ngổn ngang bên cạnh đống cát, đá, gạch chất cao ngất.
Nhà ở nằm ngay gần trường THPT Đắk Wil, nhưng suốt mấy năm qua, con của anh Nguyễn Ngọc Minh thôn Trung tâm vẫn đi học xa cả chục cây số. Anh Minh chia sẻ: Tôi có con lớn đang học lớp 12, tại trường THPT Phan Bội Châu, xã Nam Dong, cách nhà gần 10km.
Khi trường cấp 3 được khởi công xây dựng ở đây, bà con ai cũng mừng, nhưng xây dựng xong không hiểu vì lý do gì, trường lại không hoạt động. Các cháu vẫn phải đi học xa mà ngôi trường thì cứ để không như vậy suốt mấy năm nay.
Theo báo cáo, Trường THPT Đắk Wil được khởi công xây dựng ngày 14/9/2017, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 12 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án huyện Cư Jút (nay là Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Cư Jút) làm chủ đầu tư. Sau 1 năm xây dựng, công trình Trường THPT Đắk Wil hoàn thành, nghiệm thu và dự kiến cuối tháng 11/2018 đưa vào sử dụng. Vậy nhưng, từ đó đến nay trường vẫn vắng bóng học sinh.
Với sự tiếc nuối khi ngôi trường khang trang không được sử dụng, ông Phạm Huy Thì sống đối diện với Trường THPT Đắk Wil tâm sự: đây là xã biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số đông, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, học sinh học cấp 3 phải đi học xa, đường giao thông xuống cấp đi lại khó khăn. Trường THPT Đắk Wil khởi công, người dân ở đây vô cùng phấn khởi. Họ mong mỏi trường đi vào hoạt động để các cháu đi học gần và thuận lợi. Thế mà ngôi trường khang trang 2 toà nhà 2 tầng, đã hoàn thành mấy năm vẫn đóng của im ỉm, học sinh THPT trên địa bàn chưa một lần được học.
Được biết, xã Đắk Wil có 4 trường học gồm 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non. Năm học 2021-2022, trường THCS Cao Bá Quát có 638 học sinh, trong đó khối lớp 9 có 167 em. Có thời gian ngắn Trường THCS Cao Bá Quát quá tải đã mượn tạm Trường THPT xã Đắk Wil để sử dụng.
Một lãnh đạo UBND xã Đắk Wil cho biết: thời điểm xây dựng Trường THPT Đắk Wil, người dân địa phương rất hào hứng, bởi con em họ đang phải đi học xa rất bất tiện. Hầu hết học sinh cấp 3 của xã đang theo học tại xã Cư Jút, em gần nhất cũng ngót chục cây số, có những em giáp biên giới phải vượt chặng đường 16km để đi học. Đường từ đây ra Nam Dong xấu, ổ gà nhiều khó đi. Các em đi bằng xe buýt hay bị nhỡ xe, đi bằng chạy xe máy đến trường, thì hay bị công an phạt vì chưa đủ tuổi, em ở nhà trọ thì khó quản lý.
Với số lượng học sinh tương đối lớn của trường THCS, 2 trường tiểu học. Ngoài ra, Trường THPT Đắk Wil còn phục vụ nhu cầu học tập của học sinh các xã lân cận. Như vậy, số lượng học sinh nguồn của địa phương khá lớn. Nếu trường đi vào hoạt động đúng mục tiêu dự án ban đầu, không chỉ học sinh địa bàn xã thuận lợi, mà các em ở các xã lân cận cũng được học gần.
Xây trường chỉ để làm khu cách ly
Tương tự, Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông được xây dựng trên diện tích hơn 3ha, với số tiền đầu tư cả chục tỷ đồng. Công trình này gồm tòa nhà chính 3 tầng, với 24 phòng học, nhà hiệu bộ cùng nhà đa năng rộng hàng trăm mét vuông.
Ngôi trường này nằm sâu trong dãy núi xa xôi, hẻo lánh. Ở cách xa khu dân cư, hai bên đường cây cối rậm rạp, xung quanh không có nhà dân sinh sống. Trường đóng cửa im ỉm nhiều năm qua, các hạng mục bắt đầu xuống cấp, các tòa nhà rêu mốc phủ đen, cổng sắt hoen gỉ, cỏ mọc um tùm.
Được thuê trông coi cơ sở vật chất cho ngôi trường này, ông Vũ Thế Trinh cho biết: Trường học xây dựng cách xa khu dân cư tập trung, phải mất gần 30 phút di chuyển từ quốc lộ 14 mới có thể vào đến trường. Thêm vào đó, trường nằm trong khu vực hẻo lánh xung quanh đồi núi heo hút, gần sông, nên học sinh chỉ đến học được thời gian ngắn rồi lần lượt xin chuyển trường hết. Trường bỏ không nhiều năm nay, chỉ được trưng dụng làm khu cách ly tập trung của xã Tâm Thắng trong năm 2021 để phòng, chống dịch Covid-19.
“Lâu ngày không có học sinh, chỉ có mình tôi ở đây trông coi. Nói là trông coi tài sản, nhưng thực ra ở đây cũng không còn gì đáng giá, đồ đạc đã chuyển đến trường chính hết rồi. Lúc có người cách ly tôi còn dọn dẹp cây cối, nhìn đỡ hoang, giờ không có ai đến, tiền công cắt dọn không trả nên tôi không làm nữa”, ông Trinh cho biết.
Thực tế, ở môt số địa phương, việc các công trình trường được xây dựng khang trang, kiên cố nhưng vắng bóng học sinh, đang trở thành vấn đề mà các cấp chính quyền địa phương, Sở GDĐT và cơ quan liên quan quan tâm, nghiên cứu để đưa ra được những giải pháp để công trình vào hoạt động, sử dụng hiệu quả tài sản công...