Dự thảo ngân sách Canada tăng đầu tư chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:15, 29/03/2023
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland vừa công bố bản dự thảo ngân sách liên bang năm 2023, trong đó hứa hẹn các khoản đầu tư mang tính chuyển đổi sang nền kinh tế "xanh" nhằm duy trì vị trí dẫn đầu của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các loại khoáng sản quan trọng.
Theo kế hoạch ngân sách, chi tiêu cho năm 2023-2024 sẽ vào khoảng 490,5 tỷ CAD (360,7 tỷ USD), trong đó gồm cả chi tiêu nợ công, với 8,3 tỷ CAD chi tiêu cho chương trình mới.
Trong 5 năm tới, chính phủ dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn 59,5 tỷ CAD so với trước đây.
Trong 12 năm tới, Canada dự kiến sẽ chi hơn 80 tỷ CAD cho các khoản tín dụng thuế đầu tư để thúc đẩy phát triển điện sạch, hydro, hệ thống thu hồi và lưu trữ carbon, khoáng sản quan trọng và chuỗi cung ứng xe điện.
Gần một nửa khoản chi tiêu mới sẽ dùng để tăng cường chuyển giao dịch vụ y tế đến các tỉnh và vùng lãnh thổ, đồng thời mở rộng hơn nữa chương trình chăm sóc nha khoa quốc gia.
Chi phí cho chương trình chăm sóc nha khoa dự kiến sẽ là khoảng 13 tỷ CAD trong 5 năm tới, tăng khoảng 7 tỷ CAD so với chi phí dự toán trong ngân sách năm ngoái.
Khoảng 1/10 khoản chi tiêu mới nhằm cải thiện đời sống của một số bộ phận người dân Canada, trong đó có biện pháp giảm giá thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) thứ 2 cho những người Canada có thu nhập thấp trong một năm và tăng các khoản trợ cấp cho học sinh sau trung học.
Vào tháng 11/2022, Bộ trưởng Freeland dự báo mức thặng dư thương mại 4,5 tỷ CAD vào năm 2027-2028. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách hôm 28/3 dự báo mức thâm hụt 14 tỷ CAD cho năm 2027-2028.
Bộ trưởng Freeland cam kết sẽ tiết kiệm được 15 tỷ CAD trong vòng 5 năm bằng cách giảm quy mô đi lại của chính phủ, sử dụng các chuyên gia tư vấn bên ngoài và yêu cầu hầu hết các cơ quan liên bang cắt giảm 3% chi tiêu.
Theo dự đoán trong ngân sách, tỷ lệ lạm phát sẽ vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Canada (BoC) cho đến ít nhất là quý 2/2024, trong đó giá lương thực là một yếu tố quan trọng khiến lạm phát tăng cao.
Chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu tài chính và dân chủ của Đại học Ottawa Mostafa Askari cảnh báo những rủi ro đáng kể về suy thoái kinh tế sâu hơn vào cuối năm nay so với dự đoán trong ngân sách, cho rằng điều này có thể đảo ngược tất cả các giả định kinh tế của bà Freeland, làm giảm doanh thu của chính phủ và khiến thâm hụt thậm chí còn lớn hơn./.