Nhiều rủi ro phía trước (*)
Sầu riêng là cây trồng khó tính, dễ tác động nhiều bởi thời tiết, thời gian chăm sóc từ 5 – 6 năm mới cho thu hoạch ổn định. Với những nhược điểm này, nông dân rất dễ gặp các rủi ro khi phát triển sầu riêng.
Trải lòng của người 22 năm trồng sầu riêng
Ông Nghiêm Xuân Dưng, ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song), có 80 cây sầu riêng Monthong trồng được gần 22 năm. Ông là người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất sầu riêng ở Đắk Song.
Những năm trước, vườn sầu riêng của ông cho thu hoạch gần 20 tấn quả/vụ. Riêng năm 2022, vườn sầu riêng mất trắng do thời tiết diễn biến phức tạp vào giai đoạn làm hoa, đậu quả.
Cây sầu riêng không như các loại cây trồng khác. Nó rất nhạy cảm với thời tiết. Không dễ gì để làm chủ được nó. Tôi có 22 năm trồng sầu riêng, nhưng năm vừa rồi phải bó tay.
Ông Nghiêm Xuân Dưng, xã Thuận Hạnh, Đắk Song, Đắk Nông
Về chi phí đầu tư, theo ông Dưng, mỗi năm ông đầu tư 3 triệu đồng/cây để chăm sóc, bón phân. Hiện nay, phân và thuốc đều đắt, chi phí đầu tư vì thế tăng cao.
Ông Dưng là giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ Hoà Phát Đắk Song, trụ sở ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song). HTX chuyên sản xuất sầu riêng. Hiện nay HTX có 84 ha sầu riêng giống Monthong và Dona, trong đó gần 50 ha đang cho thu hoạch.
HTX có 34 thành viên, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm sầu riêng tươi của HTX đạt OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh.
Nhiều người trong HTX có kinh nghiệm trồng sầu riêng, kiến thức chăm sóc cơ bản đã nắm rõ. Nhưng năm 2022, sầu riêng của HTX mất mùa tới 70%.
Ông Dưng băn khoăn: "Trung Quốc yêu cầu điều kiện cấp mã vùng trồng sầu riêng phải trồng thuần để chăm sóc theo quy trình và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhưng nếu trồng thuần mà mất mùa hoặc thị trường tiêu thụ gặp trục trặc, nông dân sẽ thiệt hại lớn".
Cũng theo ông Dưng, dù đã hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm sầu riêng của HTX những năm qua vẫn rất khó khăn.
Hầu hết sản phẩm sầu riêng của HTX đều phụ thuộc vào tiểu thương. Cụ thể, sản phẩm đều do tiểu thương kiểm tra, đánh giá về chất lượng và ra giá thu mua.
Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song cho biết, trên địa bàn có gần 1.200 ha sầu riêng, vụ vừa qua hầu hết đều mất mùa. Nguyên nhân chính do thời tiết không thuận lợi, người dân không làm chủ được kỹ thuật.
Bộc lộ nhiều điểm yếu
Sầu riêng được nông dân đánh giá là loại cây trồng khó tính. Loại cây này đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao. Ngoài yếu tố thời tiết, đòi hỏi kiến thức và kỹ thuật xử lý đối với sầu riêng phải đúng quy trình, kịp thời.
Ông Hoàng Văn Chánh, ở xã Đắk Lao (Đắk Mil), có hơn 1.400 cây sầu riêng trồng xen trong 11,5 ha cà phê. Sầu riêng của ông đang bước vào năm thứ 6 và đang vào mùa làm hoa.
Nói về việc trồng và chăm sóc sầu riêng, ông Chánh cho biết, đây là cây trồng không "dễ ăn". Ông chỉ mới biết chăm sóc để cây phát triển, còn việc làm hoa, đậu quả vẫn còn rất bỡ ngỡ.
Hiện nay, ông chưa nắm được kỹ thuật để giúp sầu riêng ra hoa, đậu quả. Dù là người chịu khó tìm tòi, học hỏi, nhưng việc tiếp cận các kỹ thuật chăm sóc sầu riêng đối với ông vẫn rất khó khăn.
Chính vì vậy, dù bỏ ra số vốn rất lớn để đầu tư vào vườn sầu riêng nhiều năm nay, nhưng ông đang tính cho những người có kỹ thuật chăm sóc sầu riêng thuê lại vườn và ăn chia phần trăm.
Không chỉ có ông Chánh, nhiều nông dân trồng sầu riêng hiện nay cũng phải vừa học, vừa làm. Họ thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng và mỗi người thường làm một kiểu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, sản lượng sầu riêng hiện nay chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng sản xuất tại thị trường tiêu thụ nội địa. Phần lớn, trái sầu riêng được tiêu thụ trong nước thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ ra thực trạng phát triển sầu riêng ở Đắk Nông hiện nay còn rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trước hết, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.
Đắk Nông chưa hình thành được các vùng sản xuất sầu riêng tập trung. Điều này gây khó khăn cho việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc sầu riêng. Việc quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng chưa ổn định, nông dân chưa chú trọng.
Giá cả sản phẩm sầu riêng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tình trạng "được mùa mất giá" vẫn thường xuyên xảy ra. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... thường làm suy giảm chất lượng sản phẩm, gây khó khăn trong sản xuất sầu riêng của người dân.
Các sản phẩm chế biến sâu từ sầu riêng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Sầu riêng dù được bắt đầu tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết nhưng còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh còn chưa có vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu sầu riêng tập trung, nên khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm quy mô lớn.
Về tiêu thụ sầu riêng ở Đắk Nông hiện nay chủ yếu dựa vào thương lái, nên giá cả cũng bấp bênh theo từng thời điểm, từng vụ thu hoạch. Hình thức tiêu thụ này còn chiếm trên 80% sản lượng sầu riêng của tỉnh.
Sầu riêng Đắk Nông chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng để xuất khẩu cần có điều kiện về mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Chính vì thế, sản lượng sầu riêng xuất khẩu hàng năm còn chưa nhiều.
Sầu riêng Đắk Nông chủ yếu thu hái quả già, tập trung về vựa thu mua, sau đó được xử lý phân loại, đóng thùng và vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh. Khâu tinh chế, chế biến sâu chưa nhiều, nên giá trị sản phẩm sầu riêng chưa cao.
Sầu riêng là sản phẩm có thời gian bảo quản tương đối ngắn và thường thu hoạch tập trung theo mùa vụ. Trong khi hệ thống bảo quản đông lạnh ở Đắk Nông còn hạn hẹp. Điều này khiến cho giá trị sản phẩm sầu riêng dễ giảm sút.
(*) Bài 3 trong tuyến bài dài kỳ: Chặn đà bùng nổ diện tích sầu riêng ở Đắk Nông