Thông tin mới nhất về vụ án Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm

Chính sách - Ngày đăng : 16:39, 28/03/2023

Bộ Công an thông tin về quá trình điều tra Vụ án Vạn Thịnh Phát và vụ án xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.

Thông tin mới nhất về vụ án Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Đã khởi tố nhiều tội danh

Chiều 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã chủ trì Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an Quý I năm 2023. Dự họp báo và trả lời câu hỏi của các phóng viên có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an TP Hà Nội.

Trả lời câu hỏi liên quan vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đối tượng Trương Mỹ Lan, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và các bị can từ tháng 10/2022. 

Đây là vụ án lớn, trong quá trình điều tra đã khởi tố nhiều tội danh, trong đó có hành vi có dấu hiệu đang tiếp tục điều tra.

Trong tháng 3/2023, liên quan vụ án, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khởi tố 5 bị can thuộc Đoàn thanh tra liên ngành, trong đó Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, Trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho hay.

Theo đó, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra nhưng báo cáo lãnh đạo NHNN cũng như các cấp có thẩm quyền là không thanh tra, dẫn đến công tác giám sát, xử lý và kiểm soát Ngân hàng SCB không được kịp thời. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng mà cơ quan điều tra đã xử lý.

Thông tin mới nhất về vụ án Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm - Ảnh 4.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành trả lời câu hỏi tại họp báo.

Vụ án đăng kiểm: Đã khởi tố 506 bị can

Về diễn biến mới nhất việc xử lý sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Cục Cảnh sát hình sự và 32 địa phương đã khởi tố 64 vụ án, 506 bị can về 7 tội danh khác nhau. Nhóm đối tượng đã trục lợi chính sách để hưởng lợi cá nhân với số tiền rất lớn.

Từ năm 2018 đến 2022, các nghi phạm đã cấu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở ở 18 tỉnh thành để kiểm định cho gần 40.000 xe cơ giới. 

Trong số này có nhiều xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép. Việc này khiến các phương tiện không đạt điều kiện nhưng vẫn được kiểm định, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, làm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ảnh hưởng môi trường và nhiều hệ luỵ xã hội khác...

Về việc báo chí phản ánh tình trạng ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, để giải quyết vấn đề này, một số cán bộ đăng kiểm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã đến các trung tâm đăng kiểm trên để giúp đỡ. 

"Một nguyên nhân nữa là, theo quy định, quá trình đăng kiểm phải thực hiện ở 5 công đoạn với 55 hạng mục kiểm tra. Tuy nhiên, trước đây xe đi vào chỉ kiểm tra một vài công đoạn rồi bỏ qua để đăng kiểm viên lấy tiền là xong. Hiện phải làm đủ quy trình với 55 hạng mục nên ùn tắc là điều không tránh khỏi", Người phát ngôn Bộ Công an phân tích.

Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm cũng buông lỏng trong quy hoạch dẫn đến mất cân đối giữa số lượng trung tâm đăng kiểm và lượng xe cơ giới. 

Vì lợi nhuận cao, nên các trung tâm đăng kiểm "mọc lên như nấm". Nhiều trung tâm không có xe đến đăng kiểm, đành hạ giá để hút khách, thu lợi nhuận, cạnh tranh nhau. 

Hơn nữa, Cục đăng kiểm Việt Nam vừa làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đăng kiểm vừa quản lý một số trung tâm, vừa kinh doanh nên dễ dẫn đến các tiêu cực, hậu quả như vừa qua...