Kinh tế
doanh-nghiep-xuat-khau-no-luc-thich-ung-3-.png
Hồng Thoan 14/04/2022 12:17

Krông Nô là địa bàn có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế rừng. Những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã quan tâm đến việc phát triển rừng.

dscn5092-2288x1712.jpeg
Krông Nô giàu tiềm năng phát triển kinh tế rừng

Gia đình ông Vũ Văn Nghĩa, thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, đã hơn 20 năm nay trồng nhiều loại cây lâm nghiệp như dầu gió, sao, tếch xen với 10 ha cây nông nghiệp.

Theo ông Nghĩa, gia đình ông làm kinh tế rừng chỉ mang tính tự phát, thử nghiệm, không được ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ. Giống cây lâm nghiệp ông tự ươm hoặc tự mua ngoài thị trường về trồng.

Các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp đã được ông Nghĩa tự mày mò tìm hiểu. Một số diện tích cây rừng của ông đã đến kỳ thu hoạch và đang được tìm hướng tiêu thụ.

dsc_1135-4096x2731.jpeg
Cây lâm nghiệp góp phần ổn định sinh thái cho cây nông nghiệp

Ông Nghĩa hiện chưa đánh giá được hiệu quả của việc phát triển kinh tế rừng. Trước mắt, ông chỉ nhận thấy, việc trồng cây lâm nghiệp đã tạo môi trường sinh thái ổn định, giúp cây nông nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi hạn hán, dịch bệnh.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Chung, xã Nâm Nung, 5 năm qua đã trồng 15 ha rừng. Cây trồng mà gia đình ông lựa chọn là cây lõi thọ. Đây là cây bản địa, phù hợp môi trường, thổ nhưỡng, nên phát triển tốt.

lo-i-tho-1280x960.jpeg
Vườn cây lõi thọ của ông Chung

"Qua tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu, tôi thấy rằng, cây lõi thọ có chất lượng gỗ tốt, nên quyết tâm đầu tư với diện tích lớn. Tôi mong muốn Nhà nước nghiên cứu, khuyến cáo cụ thể hơn về loại cây trồng này. Từ đó, giúp người dân phát triển kinh tế rừng hiệu quả", ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, so với khuyến nông thì hoạt động khuyến lâm còn rất mờ nhạt, ít ỏi. Hoạt động khuyến lâm thời gian qua chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng là chính.

Ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ mới triển khai được một số ít mô hình về phát triển lâm nghiệp. Cụ thể mới chỉ có mô hình trồng cây bời lời đỏ, trồng mắc ca. Ngành Nông nghiệp cũng nhận thấy, đây là hạn chế lớn và sẽ tập trung khắc phục trong thời gian tới.

“Để đạt được các chỉ tiêu về quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng từ 38,06% hiện nay lên 40% vào năm 2025, ngành sẽ quan tâm, đổi mới hơn các hoạt động về khuyến lâm”

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông

dsc_2278-4096x2713.jpeg
Hoạt động khuyến lâm còn mờ nhạt và ít

Hồng Thoan