Tích hợp lữ đoàn thứ 3 của quân đội Hà Lan vào quân đội Đức
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:36, 28/03/2023
Thủ tướng ĐứcOlaf Scholz (phải) và Thủ tướng Hà LanMark Rutte tại cuộc gặp ở Berlin tháng 10/2022. (Nguồn: Getty Images)
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 27/3, phái đoàn Chính phủ Đức do Thủ tướng Olaf Scholz dẫn đầu đã tới thành phố Rotterdam của Hà Lan để tiến hành cuộc tham vấn chính phủ lần thứ 4 của nội các hai nước, tập trung vào các vấn đề kinh tế, năng lượng và quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức sau vòng tham vấn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đánh giá cao cuộc tham vấn tốt đẹp với sự tham gia của gần 20 bộ trưởng hai nước.
Hai bên đã thảo luận về một số chủ đề như tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành công nghiệp, củng cố thị trường nội địa, tìm biện pháp giảm phụ thuộc vào các nước thứ 3 đối với các mặt hàng chủ chốt, hợp tác hướng tới "tham vọng xanh," bao gồm đẩy nhanh kế hoạch "xanh hóa" nền kinh tế hay sản xuất năng lượng xanh...
Ngoài ra, một số chủ đề khác như an ninh, quốc phòng, thương mại, cơ sở hạ tầng chung cũng đã được thảo luận.
Thủ tướng Rutte cho biết Hà Lan đang xem xét tham gia các dự án vũ khí chung như đóng tàu ngầm và đóng tàu hải quân của Đức và Na Uy.
Về phần mình, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh Đức và Hà Lan là đối tác thân thiết, những người bạn tốt của nhau và quan hệ song phương không thể gần gũi hơn thời điểm hiện nay, trong đó nền kinh tế-xã hội và lực lượng vũ trang hai nước đều gắn bó chặt chẽ vì lợi ích hai dân tộc.
Thủ tướng Scholz thông báo vào ngày 30/3 tới, hai bên sẽ hoàn tất việc tích hợp lữ đoàn thứ 3 của quân đội Hà Lan vào cấu trúc của quân đội liên bang Đức, cụ thể là Lữ đoàn hạng nhẹ số 13 của Hà Lan sẽ được hợp nhất với Sư đoàn thiết giáp số 10 của quân đội liên bang Đức.
Theo nhà lãnh đạo Đức, đây là cột mốc quan trọng trong hợp tác quân sự giữa hai nước và là mô hình hợp tác độc đáo ở châu Âu.
Với sự hợp tác này, hai bên kỳ vọng sẽ có được sức mạnh tổng hợp và tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Sự tích hợp hoàn chỉnh sẽ tạo ra các đơn vị chung có cấu trúc chỉ huy, có thể cùng được triển khai, trong khi công nghệ được tiêu chuẩn hóa mức độ lớn.
Thủ tướng Scholz cũng cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Hà Lan về nhiều chủ đề, trong đó có cách thức tăng cường khả năng hành động địa chính trị của Liên minh châu Âu, cải cách hệ thống và chính sách đối với người di cư và tị nạn, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hợp tác năng lượng, bao gồm kế hoạch tiếp quản công ty con của tập đoàn điện lực TenneT Hà Lan ở Đức và mở rộng hợp tác về năng lượng gió ngoài khơi ở Biển Bắc cũng như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất hydro.
Về vấn đề Ukraine, Đức và Hà Lan cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine về chính trị và tài chính cũng như vũ khí, đạn dược và huấn luyện quân sự.
Hai bên cũng tái khẳng định việc hỗ trợ cho Ukraine luôn được thực hiện với sự tham vấn và hợp tác chặt chẽ cùng các đồng minh.
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Scholz cũng xác nhận việc Berlin đã cung cấp 18 xe tăng hiện đại Leopard 2 cho Ukraine như đã cam kết./.