Văn hóa

Tạc tượng gỗ dân gian                   ở Tây Nguyên

Y Krăk 25/05/2022 19:31

Tượng gỗ dân gian có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tạc tượng gỗ dân gian đã trở thành loại hình nghệ thuật dung dị, độc đáo của đồng bào nơi đây. Mỗi bức tượng chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên.

Văn hóa
Y Krăk 25/05/2022 19:31
dsc_0535-4096x2879(2).jpeg
bd2-320x751(1).png

Địa bàn phân bố

Tạc tượng gỗ - một nền điêu khắc dân gian độc đáo có mặt hầu hết tại 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum.

dsc_0374-4096x3003(1).jpeg

Chủ thể văn hóa

Người Ê đê, M’nông, Gia Rai, Xê Đăng, Ba Na... với lực lượng nghệ nhân tạc tượng gỗ tài hoa. Họ là những “nghệ sĩ của buôn làng”. Người tạc tượng thường có năng khiếu thẩm mỹ bẩm sinh, chỉ cần nhìn khúc gỗ hay thân cây là có thể mường tượng ra được hình dáng bức tượng mình muốn tạc. Từ con mắt lành nghề của nghệ nhân lâu năm, nếu nhắm được một đoạn cây có hình dáng như mong muốn sẽ mang về tạc được bức tượng như ý. Những bức tượng được làm ra sinh động và gần gũi, thân thuộc với dân làng nhất. Đây cũng là nét tương đồng của các dân tộc này trong nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian.

1231-jpr-1604x1069-1-(1).jpeg

Mục đích sử dụng

Tượng gỗ có thể  được đặt ở những vị trí như cầu thang, sân nhà sàn, nhà rông, nóc nhà rông, giàn cúng... của nhà rông, nhà sàn. Người Ê đê, M'nông còn dùng tượng gỗ đặt tại cây nêu hay nơi làm lễ cúng cộng đồng. Nhưng tượng gỗ được dùng phổ biến nhất đối với các dân tộc Tây Nguyên vẫn là đặt quanh nhà mồ. Tượng dùng để trang trí xung quanh những ngôi mộ của người đã khuất. Có thể nói, tượng nhà mồ (hay còn biết đến là tượng tròn) gắn liền với lễ bỏ mả của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đây được xem là nghi lễ lớn nhất trong lễ hội vòng đời của người Ba Na, Gia Rai...

dsc_0997-4096x2731-1-(1).jpeg
dsc_0399-4096x3004.jpeg
1231-jpr-1604x1069-1-.jpeg
dsc_0452-4096x3277.jpeg
dsc_0489-4096x3071.jpeg

Đồng bào Tây Nguyên có  tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Đối với những tượng gỗ đặt ở cầu thang, sân nhà sàn, nhà rông, nóc nhà rông, giàn cúng... có thể thấy kiểu dáng phổ biến là hình ảnh hai bầu sữa mẹ, cặp ngà voi, sừng trâu, cặp nồi đồng, bầu nước, con khỉ, rắn, trăn, kỳ đà, thằn lằn, chim công, chim cu, voi, ngựa, chó… với quan niệm nguồn sống được sinh sôi trong cộng đồng (tín ngưỡng phồn thực).

dsc_0388-4096x2959(1).jpeg

Tượng gỗ có nhiều kiểu, nhiều hình dạng, ai nghĩ ra cái gì thì tạc thành tượng như thế, không cố định và không bắt buộc. Tuy nhiên, các loại tượng thường được tạc nhất: phụ nữ giã gạo, dệt vải, mẹ địu con, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, uống rượu cần... đến các con vật, vật dụng sinh hoạt trong nhà, những bức tượng mang yếu tố phồn thực.

Trong số những bức tượng nhà mồ, hình tượng được sử dụng chủ đạo là hình người ngồi ôm mặt trong dáng vẻ buồn bã. Đây được coi là hình tượng cổ nhất trong các loại tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên. Kế tiếp là loại tượng hình người mẹ địu con trên lưng hoặc bế con trên tay hoặc hình chim thú, thể hiện đời sống gắn với thiên nhiên của đồng bào Tây Nguyên. Tuy nhiên, tùy vị trí địa lý, môi trường sống hay tộc người mà chủ đề tạc tượng của các nghệ nhân cũng thường khác nhau. Có người chuyên tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên, tín ngưỡng phồn thực... Có những nghệ nhân lại thiên về chủ đề gia đình, tình mẫu tử, sự chung thủy. Trong khi các nghệ nhân khác lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau.

Tượng nhà mồ còn gắn liền với nhiều truyền thuyết. Một truyền thuyết kể rằng ngày xưa các vị tù trưởng giàu mạnh của các dân tộc Tây Nguyên khi chết đều chôn theo người để hầu hạ nhưng đến thời gian sau họ dùng gỗ làm hình nhân thay thế cho người sống. Còn truyền thuyết khác kể về một cô gái nổi tiếng xinh đẹp, siêng năng lại hát hay, múa khéo nhất vùng nên được rất nhiều chàng trai thầm yêu, trộm nhớ. Nhưng chẳng may cô gái bị mất đột ngột và có một chàng trai vì quá đau buồn nên đã ngồi khóc bên mộ nàng. Sau đó chàng trai chết và hóa thành tượng gỗ ngồi canh giữ và trò chuyện với nàng hàng ngày. Các truyền thuyết trên đều muốn nói lên nỗi niềm thương nhớ người đã mất một cách chân thành mãnh liệt của những người đang sống. Vì vậy mà họ đã tạc những pho tượng với nhiều hình hài, tư thế khác nhau để hàng ngày ngồi đó tâm sự cho người thân đỡ buồn và giúp gìn giữ phần mộ sau khi đã làm lễ bỏ mả.

dsc_3836-2-2595x1911(1).jpeg
Tượng gỗ được sử dụng trong nghi lễ truyền thống của người M'nông

Tượng gỗ dân gian có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và tạc tượng gỗ dân gian đã trở thành loại hình nghệ thuật dung dị, độc đáo của đồng bào nơi đây.

Tượng nhà mồ được người còn sống tạc nên dùng cho lễ bỏ mả, thể hiện tình cảm quyến luyến, tưởng nhớ người thân. Tượng đóng vai trò như vị thần bảo vệ, che chở cho linh hồn chủ nhân không bị ma quỷ quấy phá. Mỗi dân tộc dù có nét văn hóa khác biệt, quan niệm về việc tạc tượng nhà mồ không hoàn toàn đồng nhất nhưng gần như cùng ý nghĩa...

Mỗi bức tượng chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên. Tượng gỗ dân gian của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã và đang đóng góp một vẻ đẹp độc đáo và mang lại nhiều giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc.

dsc_0371-4096x2731(2).jpeg

THÂN GỖ DÙNG ĐỂ TẠC TƯỢNG

Cây gỗ dùng tạc tượng, đặc biệt là tượng nhà mồ thường được làm bằng những loại gỗ quý như: gỗ hương, gỗ cà chít, có thể chịu được mưa nắng qua nhiều năm ở ngoài trời. Những cây hương, cà chít này phải trên 10 năm tuổi mới đủ tiêu chuẩn để làm tượng. Các bức tượng gỗ này có thể tồn tại mấy chục năm dù trải qua mưa nắng. Khi những cây gỗ tốt hiếm dần, tượng nhà mồ chủ yếu được tạc bằng những cây gỗ tạp nên nhanh bị mối mục hơn.

Một điểm quan trọng trong chế tác tượng nói chung và tượng nhà mồ nói riêng của đồng bào Tây Nguyên là sử dụng thủ pháp tạo hình, bằng cách dùng các mảng khối hình học và các đường vạch chéo, vạch thẳng để tạo nên hình nét cho bức tượng. Từ một thân gỗ tròn, không lắp ghép, không thêm thắt bất cứ một phần gỗ nào, những nghệ nhân Tây Nguyên đã tạo ra được bức tượng độc đáo mang dáng dấp và tâm hồn của con người.

Tượng gỗ được các nghệ nhân dân gian dùng những dụng cụ đơn giản như cưa, rìu, rựa, dao, đục… chế tạo nên từ bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của họ. Sau khi tìm được gỗ, nghệ nhân chặt gỗ ra từng khúc bằng rìu lớn, mãi sau này mới thay thế bằng cưa. Khúc gỗ phải có một đầu phẳng để khi tạc xong, tượng có thể đứng được. Sau đó, nghệ nhân sẽ ước lượng chiều dài, độ tròn, thẳng để xem khúc gỗ ấy có thể làm tượng gì cho phù hợp.

Nếu gỗ có đường vành thân to thì làm tượng kép, tượng đôi như: mẹ địu con, mẹ cõng con trên vai, tượng đôi trai gái yêu nhau hay cha cõng con. Nếu gỗ có đường kính vành thân nhỏ thì làm tượng đơn. Ðể làm tượng thú nghệ nhân thường chọn những đoạn gỗ ngắn hơn. Mỗi nghệ nhân "thổi hồn" riêng vào gỗ. Qua đó diễn tả sinh động mọi sắc thái, biểu cảm, sinh hoạt thường ngày của đồng bào và cộng đồng ở các buôn làng.

Bằng thủ pháp dùng mảng khối, người tạc chỉ phác họa một vài chi tiết trên khúc gỗ mà làm cho bức tượng bỗng trở nên sống động như có hồn. Theo nhiều nghệ nhân, tạc tượng gỗ rất khó, yêu cầu người tạc phải có sự sáng tạo, mắt quan sát và hơn hết phải kiên nhẫn trong từng tác phẩm. Các nghệ nhân phải tỉ mỉ, khắc họa chi tiết vào ánh mắt, khuôn mặt, mũi, miệng... Các nghệ nhân khi tạc tượng đều nỗ lực để bức tượng thể hiện được ý nghĩa mà mình mong muốn. 

dsc_0425-4096x2730(1).jpeg
Du khách thích thú chụp hình bên tượng gỗ Tây Nguyên

Sự cộng hưởng giữa sáng tạo cá nhân dựa trên chiều sâu văn hóa nơi đây đã tạo nên những bức tượng độc đáo, không trùng lặp và mang đậm dấu ấn riêng của người nghệ nhân.

Những bức tượng gỗ được tạc đẽo mộc mạc, đơn sơ, thể hiện nhiều sắc thái đời sống của con người, của thiên nhiên hoang dã, luôn mang đến cho người xem những ấn tượng khó quên về vùng đất đại ngàn. So với các dân tộc khác, tượng gỗ của các dân tộc ở Tây Nguyên có sự khác biệt về ý nghĩa và mục đích sử dụng. Nhất là việc đặt chúng trong khung cảnh thiên nhiên, rồi hòa vào thiên nhiên.

Trải qua các yếu tố của thời tiết như mưa, nắng, những bức tượng lại thêm phần độc đáo. Do phần lớn được chế tác bằng công cụ thô sơ, các tác phẩm tượng gỗ đều mang trên mình dấu vết những nét đẽo gọt mộc mạc của rìu, rựa hay đục. Hình ảnh những pho tượng thô mộc, rắn rỏi đứng hiên ngang dãi dầu mưa nắng toát lên cốt cách con người và văn hóa Tây Nguyên.

Cũng theo các nghệ nhân, tạc tượng không tạc theo hình khối tạo hình, vì vậy tượng mang sức gợi hơn là tả thực và tuân thủ những nguyên tắc nguyên khối chứ không lắp ghép thêm các khối gỗ khác hoặc đánh bóng, sơn màu cho tượng gỗ.

Thực trạng

Khi môi trường văn hóa truyền thống dần mất đi, một số nét văn hóa truyền thống độc đáo cũng bị mai một, trong đó có nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian. nhiều buôn làng trong vùng, bà con khó có thể tìm ra cây gỗ để tạc tượng nhà mồ. Loại hình văn hóa này đang đứng trước nguy cơ mai một và mất đi ở nhiều buôn làng, nơi mà loại hình nghệ thuật độc đáo này được sản sinh ra.
Trong khi đó, phần lớn thủ tục tang ma của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trở nên đơn giản, phù hợp hơn với đời sống hiện đại nên hình ảnh tượng gỗ cũng thưa thớt dần ở khu nhà mồ.

Trước thực trạng ấy, thời gian qua được sự quan tâm của ngành chức năng, tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, giao lưu, nhiều nghệ nhân đã nỗ lực mang tượng gỗ vượt ra ngoài không gian bon, buôn làng để giới thiệu, quảng bá văn hóa Tây Nguyên đến với du khách.

dsc_0372-4000x6000(1).jpeg
Một tác phẩm tượng gỗ ra đời được xem như đứa con tinh thần, gắn với nhiều câu chuyện nơi vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nghề tạc tượng gỗ vẫn được một số nghệ nhân dân tộc thiểu số tại chỗ M'nông, Ê đê gìn giữ. Trong đó, tập trung tại các bon làng ở các huyện Cư Jút, Krông Nô. Đối với người Ê đê trên địa bàn tỉnh, trước đây tượng gỗ chủ yếu đặt ở nhà mồ, nay thường được dùng đặt nơi làm lễ cúng của bon làng. Tượng gỗ hầu hết được tạo màu bằng cách ngâm bùn chứ không sơn màu lên như một số dân tộc khác. Y Ân B’ya, ở thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là một trong những nghệ nhân trẻ nhưng có nhiều năm kinh nghiệm tạc tượng gỗ dân gian truyền thống dân tộc M’nông. Nhờ không ngừng học hỏi, giao lưu và nỗ lực, Y Ân đã được chọn là nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Đắk Nông xuất sắc đạt giải nhất khi tham gia Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên năm 2017.

Y Krăk