Israel: Biểu tình bất thường chống chính phủ cải cách tư pháp
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:22, 27/03/2023
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, tối 26/3 tại Israel, hàng trăm nghìn người dân đã xuống đường biểu tình, chặn đường cao tốc tại thành phố Tel Aviv và bao vây Dinh Thủ tướng tại thành phố Jerusalem.
Đây là cuộc biểu tình bất thường, trong làn sóng biểu tình diễn ra gần 3 tháng qua tại Israel, bùng phát sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cùng ngày.
Ước tính có tới 600.000 người tham gia biểu tình bất chấp đêm muộn. Cảnh sát phải dùng vòi rồng để giải tán đám đông bao vây dinh thự của ông Netanyahu.
Cũng liên quan đến làn sóng biểu tình chống cải cách tư pháp, một loạt thị trưởng các thành phố và lãnh đạo các địa phương đã tuyên bố tuyệt thực để phản đối chính phủ.
Một loạt trường đại học lớn cũng tuyên bố sẽ tham gia cuộc biểu tình lớn trong ngày 27/3. Bộ trưởng Gallant là thành viên cấp cao của đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu, và là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ phản đối kế hoạch cải cách tư pháp.
Viết trên mạng xã hội Twitter, cựu Thủ tướng Naftali Bennett nhận định làn sóng biểu tình chống chính phủ đã đẩy quốc gia này tới chỗ nguy hiểm lớn chưa từng có kể từ cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Ông Bennett kêu gọi “Thủ tướng rút lại lệnh cách chức ông Gallant (Bộ trưởng Quốc phòng), ngừng cải cách và tiến hành thương lượng”, đồng thời kêu gọi mọi người kiềm chế bạo lực và tránh đổ máu.”
Cuộc chiến Yom Kippur là chiến tranh giữa Israel và liên minh các nước Arab, diễn ra từ ngày 6-26/10/1973, khiến riêng phía Israel đã có 2.656 người chết và 7.250 người bị thương.
Nhà Trắng đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc” trước các diễn biến ở Israel, đồng thời kêu gọi lãnh đạo Israel sớm đạt đồng thuận. Người phát ngôn Nhà Trắng Adrienne Watson nhấn mạnh “đó là cách tốt nhất cho đất nước và người dân Israel.”
3 tháng kể từ khi lên nắm quyền, liên minh dân tộc-tôn giáo của ông Netanyahu đã rơi vào khủng hoảng liên quan đến những tranh cãi về kế hoạch cải cách tư pháp. Gói cải cách này sẽ siết chặt quyền kiểm soát của nhà nước đối với các bổ nhiệm chức danh tư pháp, trao cho cơ quan lập pháp quyền tự do hơn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án tối cao./.+)