Pháp luật

Dự án Alumin Nhân Cơ còn nợ 425 lô tái định cư

Lê Phước 27/03/2023 05:00

Sau hơn 10 năm triển khai Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, còn 425 lô tái định cư chưa được giải quyết. “Nút thắt” này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và ảnh hưởng đến các mỏ nguyên liệu của Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Gia đình ông Lương Văn Nghị, ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) bị thu hồi đất để phục vụ dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ông Nghị đã nhận tiền từ 3 năm nay nhưng chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng vì chưa được bố trí TĐC.

“Những chính sách đền bù, hỗ trợ thì gia đình tôi hoàn toàn đồng ý, không có ý kiến gì. Gia đình tôi chỉ mong sớm được bố trí TĐC để ổn định cuộc sống”, ông Nghị cho biết.

Tại khu vực dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ hiện có rất nhiều trường hợp kiến nghị về vấn đề TĐC. Nhiều người dân đồng ý với phương án thu hồi đất, đã nhận tiền bồi thường, nhưng yêu cầu được bố trí TĐC thì mới bàn giao mặt bằng.

a1-vuong-1-.jpg
Nhiều mặt bằng tại khu vực mỏ bô xít ở xã Đắk Wer chưa giải phóng được

 Nhà máy Alumin Nhân Cơ vận hành thương mại năm 2017. Đây cũng là năm UBND huyện Đắk R’lấp triển khai thu hồi đất để thực hiện các mỏ khai thác bô xít.

Từ năm 2017 tới nay, việc khai thác mỏ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Có 2 vấn đề lớn mà người dân kiến nghị là giá đất và bố trí TĐC trước khi thu hồi đất. Trong đó, “nút thắt” lớn nhất là vấn đề TĐC.

Không được bàn giao mặt bằng, Công ty đứng trước nguy cơ phải dừng khai thác mỏ. Cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng vì bụi bặm xung quanh.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân vùng dự án. Công ty rất mong chính quyền sớm có đất TĐC để bố trí cho người bị thu hồi đất để họ sớm ổn định ở nơi ở mới”, đại diện Công ty cho hay.

a2-tuyen-truyen-vung-du-an-1-.jpg
Chính quyền và doanh nghiệp thường xuyên xuống gặp người dân để tuyên truyền, vận động

Theo UBND huyện Đắk R’lấp, từ năm 2017 đến nay, huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất và kế hoạch khai thác hàng năm, UBND huyện Đắk R’lấp đã ban hành các quyết định thu hồi đất phục vụ khai trường đến năm thứ 6.

Riêng khai trường từ năm thứ 4 đến thứ 6, huyện Đắk R’lấp đã phê duyệt phương án bồi thường cho 264 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng diện tích bị thu hồi là 273 ha với kinh phí bồi thường, hỗ trợ là trên 482 tỷ đồng.

Hiện khu vực khai trường năm thứ 4 đến thứ 6 đã cơ bản xong. Có 20ha mặt bằng bị vướng do có khoảng 15 hộ yêu cầu được bố trí TĐC nhưng chưa được đáp ứng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Đỗ Thanh Cát, pháp luật đất đai quy định phải có đất TĐC trước khi thu hồi đất. Nhưng sau 6 năm triển khai thu hồi đất để làm các mỏ khai thác bô xít, Đắk R’lấp vẫn chưa có khu TĐC nào.

Thống kê của địa phương cho thấy, hiện toàn dự án Alumin Nhân Cơ đã phê duyệt bố trí TĐC cho 560 trường hợp. Có 135 trường hợp đã được bố trí TĐC và 425 lô TĐC đang nợ.

a3-no-tdc-1-.jpg
Hàng trăm ha được thu hồi để phục vụ khai thác bô xít nhưng hàng trăm lô TĐC vẫn đang nợ

Cuối năm 2022, HĐND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt chủ trương đầu tư 6 khu TĐC trên địa bàn huyện Đắk R’lấp để “trả nợ” và phục vụ người dân bị thu hồi đất tại dự án Alumin Nhân Cơ. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 523 tỷ đồng, xây dựng trên 1.200 lô TĐC.

“Dự kiến, Đắk R’lấp sẽ khởi công xây dựng 2 khu TĐC vào cuối tháng 6/2023 và 4 khu TĐC vào cuối tháng 9/2023. Có xây dựng được khu TĐC này, huyện mới “trả nợ” được cho dân, thu hồi đất thuận lợi hơn, giúp cho Công ty có mặt bằng ”, ông Cát chia sẻ.

Lê Phước