Xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông sản Đắk Nông
Các sự kiện xúc tiến thương mại đã và đang được tổ chức sẽ giúp tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản Đắk Nông.
Đa dạng giải pháp tìm đầu ra cho nông sản
Tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức giữa tháng 3 vừa qua, Đắk Nông có 7 doanh nghiệp tham gia.
Các doanh nghiệp mang đến hội chợ các sản phẩm như cà phê hạt rang, cà phê bột và cà phê hòa tan. Đây là những sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; OCOP 3 sao trở lên.
Nông sản Đắk Nông đã tham gia rất nhiều sự kiện xúc tiến thương mại để tìm đầu ra |
Hội chợ là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp học tập, trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng tìm thấy cơ hội tìm kiếm đơn hàng từ sự kiện lớn này.
Đây là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại được ngành Công Thương Đắk Nông kết nối để doanh nghiệp tham gia, nhằm tìm kiếm cơ hội đơn hàng cho các doanh nghiệp. Xúc tiến thương mại không chỉ giúp quảng bá thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa, mà còn góp phần kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.
Đắk Nông là tỉnh nằm trong khu vực Tây Nguyên, có sản phẩm nông nghiệp khá đa dạng và được chia 3 nhóm chính với 23 sản phẩm. Nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh có 4 sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, nhóm sản phẩm tiềm năng có 3 sản phẩm cây dược liệu, mắc ca, bò thịt và Nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương có 16 sản phẩm, gồm: sầu riêng, bơ, heo thịt… Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; Ogarnic…
Dù có được nguồn nông sản dồi dào, song việc tiêu thụ sản phẩm không hề đơn giản. Do đó, Sở Công Thương Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại địa phương.
Đơn cử, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, thúc đẩy liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, Sở Công Thương đã xây dựng và trình UBND tỉnh Đắk Nông ban hành một số chương trình, đề án, kế hoạch phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, nổi bật là các chương trình: Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Mục tiêu của đề án trong 3 năm tới sẽ có 10% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh sẽ được tổ chức trên môi trường số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại; 200 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh... được tham gia tập huấn, hướng dẫn, cập nhật các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.
Đến năm 2025, mục tiêu được đặt ra là 100% các tổ chức xúc tiến thương mại; trên 50% doanh nghiệp của tỉnh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 20% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.
Đặc biệt, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, sẽ có khoảng 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
750 triệu đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương Đắk Nông đã triển khai rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nông sản. Các sản phẩm của Đắk Nông tham gia kết nối thị trường thời gian qua rất đa dạng. Trong đó có nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh như cà phê các loại, điều rang muối, hạt mắc ca, bơ, cam, quýt, ca cao, mật ong…
Năm 2022, đã có 70 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Đồng thời, tỉnh có thoả thuận tiêu thụ sản phẩm Mắc ca với 03 đối tác và 26 biên bản ghi nhớ được ký kết, một số đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ, chuẩn bị tiến hành khảo sát thực tế hoạt động sản xuất, chế biến của cơ sở. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, chế biến để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Riêng trong năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 5 chương trình xúc tiến thương mại địa phương, với tổng kinh phí là 750 triệu đồng. Trong đó có Hội nghị ngành Công Thương và các Hội nghị, hội chợ các tỉnh, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Nông. Các hoạt động này sẽ góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương.