Kinh tế

"Đánh thức" sân bay Nhân Cơ

Lê Phước 12/07/2022 05:53

Sân bay Nhân Cơ đã được đồng ý đưa vào quy hoạch thành sân bay chuyên dùng kết hợp dân sự, quân sự. Đây là cơ hội lớn để Đắk Nông phát triển ngành hàng không.

Đắk Nông nằm ở phía Nam khu vực Tây Nguyên, có QL14 kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có QL28 kết nối Đắk Nông với Lâm Đồng và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh Đắk Nông hiện có 141 km đường biên giới với nước bạn Campuchia và có 2 cửa khẩu.

Tỉnh Đắk Nông có diện tích 6.515 km2. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên thiên nhiên Đắk Nông khá phong phú. Với vị trí địa lý thuận lợi, Đắk Nông có cơ hội để mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông hiện nay chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ. Đường thủy không khai thác được. Đường sắt và hàng không chưa được đầu tư xây dựng. Đây là “điểm nghẽn” trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng của vùng.

a1-san-bay.jpg
Sân bay Nhân Cơ (Đắk R'lấp) để không nhiều năm nay

Những năm gần đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản, nhiều lần trực tiếp đề nghị với các cơ quan Trung ương về việc quy hoạch xây dựng sân bay Nhân Cơ nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Tại dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ GTVT triển khai, Đắk Nông không được quy hoạch sân bay nào.

Trong văn bản góp ý dự thảo gửi đầu năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ GTVT đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc. Mục tiêu của Đắk Nông là xây dựng Nhân Cơ thành cảng hàng không lưỡng dụng (trước mắt đầu tư xây dựng sân bay quân sự trên cơ sở tận dụng và mở rộng sân bay Nhân Cơ trước đây). Thời gian đầu tư trong giai đoạn 2030 - 2050.

Tuy nhiên, đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông không được cập nhật vào quy hoạch. Hiện Bộ GTVT đã lập “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

san-bay-chuan.jpg
Vị trí sân bay Nhân Cơ hiện nay

Gần đây nhất, vào cuối tháng 5/2022, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đề nghị đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.

Theo phúc đáp của Bộ GTVT, hiện pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam quy định 3 khái niệm bao gồm: cảng hàng không, sân bay, sân bay chuyên dùng. Trong đó, sân bay là một trong những công trình thiết yếu của cảng hàng không.

Khoản 2, Điều 56, Luật Hàng không dân dụng quy định: “Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ sân bay chuyên dùng”. Còn sân bay chuyên dùng theo luật hiện nay thuộc quân sự quản lý. Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ GTVT theo Khoản 6, Điều 49, Luật Hàng không dân dụng. Do đó, phạm vi, đối tượng nghiên cứu của quy hoạch không bao gồm sân bay chuyên dùng.

Sân bay chuyên dùng là khu vực được xác định trên mặt đất, dải mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trong quá trình lập quy hoạch, bộ đã phối hợp với các đơn vị tư vấn dày kinh nghiệm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai cho toàn bộ 63 địa phương trong cả nước. Đối với Đắk Nông, khoảng cách trung bình các địa phương của tỉnh tới Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 80 - 90 km.

Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) cũng được quy hoạch với 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Nếu hoàn thành, các tuyến đường sẽ bảo đảm khả năng kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải của địa phương.

a2-vi-tri.jpg
Vị trí sân bay Nhân Cơ trên Google map

Đối với sân bay Nhân Cơ, quy hoạch hệ thống cảng hàng không định hướng giao các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch của tỉnh. Sau khi được Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí và chủ trì huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện.

a5-thu-truong-giao-thong.jpg

Theo Bộ Quốc phòng, sân bay Nhân Cơ được đưa vào “Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc” với chức năng là sân bay dự bị, sử dụng khi có các tình huống về quốc phòng. Hiện Bộ Quốc phòng giao Quân khu 5 quản lý và chưa có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Với chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh, Bộ Quốc phòng ủng hộ chủ trương quy hoạch sân bay Nhân Cơ là sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự trên cơ sở Bộ Quốc phòng quản lý tổng thể về quy hoạch đất quốc phòng.

a3-so-luoc.jpg
Sơ lược về sân bay Nhân Cơ

Để bảo đảm các quy định về đầu tư, quản lý, khai thác đối với sân bay chuyên dùng, Bộ Quốc phòng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông giao cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, thống nhất hình thức, phương pháp đầu tư phù hợp.

Theo Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, cả Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đều ủng hộ chủ trương quy hoạch sân bay Nhân Cơ thành sân bay chuyên dùng. Đây là tin vui đối với hàng không của Đắk Nông sau thời gian dài theo đuổi.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh làm việc với các cơ quan của Bộ Quốc phòng để triển khai chủ trương này. Các bên sẽ bàn luận, thống nhất về quy mô, phương thức và giai đoạn đầu tư”, ông Bản cho hay.

Hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 3 sân bay dân dụng đang hoạt động, gồm: sân bay Pleiku (Gia Lai), sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và sân bay Liên Khương (Lâm Đồng). Mỗi sân bay cách nhau khoảng 200km. Nếu Đắk Nông có sân bay Nhân Cơ, Tây Nguyên sẽ có thêm 1 sân bay nữa. Sân bay Nhân Cơ cách sân bay Buôn Ma Thuột khoảng 130 km.

Lê Phước