Bảo đảm quyền lợi người bị thu hồi đất
Quá trình thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), nhiều trường hợp cho rằng, việc đền bù còn chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa khẳng định đã làm đúng các quy định và sẽ giải quyết “thấu tình, đạt lý” đối với các trường hợp bị thu hồi đất.
NHỮNG KIẾN NGHỊ
Theo kế hoạch, Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa sẽ khởi công vào tháng 9/2022. UBND TP. Gia Nghĩa cam kết sẽ cơ bản bàn giao mặt bằng dự án trước 30/7/2022.
Đến giữa tháng 7/2022, vẫn còn khoảng 30 hộ trong tổng số 99 trường hợp bị thu hồi đất chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Người dân còn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét các ý kiến liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Các ý kiến tập trung 2 vấn đề chính: giá đền bù thấp hơn thị trường và bố trí đất tái định cư cho một số trường hợp như con, cháu đã lập gia đình riêng và ở cùng. Có một số trường hợp đã khởi kiện Quyết định thu hồi đất của UBND TP. Gia Nghĩa ra tòa án.
Giá đền bù chưa thỏa đáng
Gia đình ông Lê Văn Vương có 236,1m2 đất nằm ngay trên trục đường chính 23/3. Phần ngang mặt đường hơn 12m, sâu gần 20m. Mục đích sử dụng đất là đất ở đô thị và đất trồng cây lâu năm. Ông Vương đã xây dựng nhà cửa, cho thuê 3 ki ốt mặt đường, thu về khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Theo Quyết định của UBND TP. Gia Nghĩa, ông Vương bị thu hồi toàn bộ diện tích trên để làm quảng trường. Gia đình ông Vương được đền bù 2,7 tỷ đồng và bố trí 1 lô tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, ông Vương cho rằng mức giá này thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nên đề nghị Nhà nước tính toán lại.
“Với diện tích của tôi trên đường 23/3 là 236m; mặt đường là 13m. Trong khi đó chỉ đền được 1,4 tỷ đồng. Một căn nhà phủ kín đất mà đền được 1,3 tỷ. Tổng là 2,7 tỷ đồng là quá thấp so với thị trường. Cho nên tôi đề nghị Nhà nước tính toán, đền bù lại”.
Ông Lê Văn Vương
Mong có chính sách hỗ trợ
Một trường hợp khác bị thu hồi đất là gia đình bà Nguyễn Thị Loan (SN 1940). Bà Loan là vợ liệt sĩ, chỉ có 1 người con trai. Hơn 20 năm qua, bà sống cùng 2 cháu nội trên phần đất 755m2 đất sắp bị thu hồi làm quảng trường.
Khu đất này chưa được cấp sổ nhưng ở đó, gia đình bà đã làm 3 căn nhà và nhiều công trình khác.
Theo bà Loan, tổng giá trị Nhà nước bồi thường cho gia đình bà đối với đất và tài sản trên đất là hơn 1,8 tỷ đồng và bà được giao 1 lô đất TĐC.
“Tôi mong Nhà nước cấp thêm cho bà cháu tôi 1 lô đất TĐC nữa. Chứ 2 đứa cháu năm nay ngoài 20 tuổi rồi, không có đất thì chẳng biết ở đâu. Tôi cũng mong Nhà nước miễn thuế đối với trường hợp của tôi để có tiền xây dựng nhà để ở”
Bà Nguyễn Thị Loan
Mong được hỗ trợ về tái định cư
Cũng trong khu vực đang GPMB làm quảng trường, gia đình ông Trần Công Cảnh bị thu hồi hơn 570m2. Thửa đất này có 19m mặt đường Nguyễn Văn Trỗi (cũ).
Ông Cảnh đã xây 1 căn nhà và 3 Ki ốt ở mặt đường, dự tính sau này cho 3 đứa con đã lớn nhưng chưa lập gia đình.
Theo quyết định thu hồi đất, gia đình ông Cảnh được giao 1 lô đất TĐC.
“Tôi không kiến nghị gì về giá đền bù mà mong được giao thêm đất TĐC. Bởi các con tôi đều đã lớn, sắp lập gia đình riêng. Chúng tôi mong được mua thêm 1-2 lô đất TĐC với giá 100% tiền đất để gia đình ổn định cuộc sống tại nơi ở mới”
Ông Trần Công Cảnh
Anh Tô Trường Châu ở với mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng từ năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, mẹ anh Châu đã lập gia đình và ở chung trên thửa đất 460m2.
Năm 2005, anh Châu lập gia đình riêng. Vợ chồng anh Châu cũng sống cùng với bố mẹ.
Hai chị em anh Châu được bố mẹ cho thửa đất liền kề để làm nhà sinh sống. Nhưng đất quy hoạch, nên hai chị em không thể làm giấy tờ tách sổ được.
"Hiện Nhà nước thu hồi chỉ cấp cho mẹ tôi 1 lô đất TĐC, gia đình chị tôi và tôi không còn nơi ở nào khác nữa. Rất mong chính quyền xem xét thật kỹ và có hướng giải quyết thỏa đáng cho chúng tôi"
Anh Tô Trường Châu
THÀNH PHỐ KHẲNG ĐỊNH LÀM ĐÚNG
Giá đền bù đúng quy định
Theo UBND TP. Gia Nghĩa, việc áp giá đền bù được thực hiện theo đúng phương pháp của Bộ TN-MT. Các đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát giá đất hàng năm do tỉnh ban hành và giá mua bán ngoài thị trường qua Văn phòng công chứng, chứng thực. Căn cứ vào giá quy định và giá thị trường để tính toán đúng cho từng trường hợp bị thu hồi đất.
Kiến nghị xem xét các trường hợp đặc biệt
Đối với trường hợp đất bị thu hồi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Ki ốt (đất thương mại - dịch vụ), quy định chỉ được giao 1 lô đất TĐC. Thành phố đã rà soát và xác định, nhiều trường hợp bị thu hồi đất có cặp vợ chồng thứ 2, thứ 3 cùng sinh sống ở đó. Do đó, UBND TP.Gia Nghĩa đã kiến nghị với UBND tỉnh thông qua Sở TNMT. Hiện Sở TN-MT đã trình UBND tỉnh phương án này.
Không có thưởng lô tái định cư như 20 năm trước
Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh cho biết, hiện không còn bố trí lô thưởng đối với những trường hợp bị thu hồi nhiều diện tích như thời điểm gần 20 năm trước. Việc đền bù, bồi thường được thực hiện theo Luật Đất đai và các trường hợp bị thu hồi đất đều được áp giá, giải quyết chế độ như nhau. Các đối tượng chính sách sẽ được áp dụng chế độ chính sách chứ không áp dụng riêng vào việc đền bù.
Bước cuối cùng là cưỡng chễ
Ông Tịnh khẳng định: UBND TP. Gia Nghĩa đã làm đúng, đủ theo các quy định của pháp luật về đền bù, GPMB và cấp đất TĐC. Sắp tới, chính quyền sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân vùng dự án bàn giao mặt bằng. Nếu người dân không chấp hành thì bước cuối cùng là thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế.
Về các trường hợp gửi đơn khởi kiện ra Tòa án, UBND TP. Gia Nghĩa cho biết sẽ vẫn thực hiện việc cưỡng chế theo quyết định thu hồi đất đã ban hành. Sau khi Tòa án xét xử, chính quyền sẽ thực hiện theo phán quyết của tòa. Tuy nhiên, không thể vì một vài trường hợp khởi kiện mà ảnh hưởng tới tiến độ GPMB của dự án.
TIẾP TỤC RÀ SOÁT VÀ GIẢI QUYẾT
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh, mỗi căn Ki ốt bị thu hồi có diện tích vài chục m2. Tuy nhiên, nơi ở mới tại Khu TĐC bờ Đông có diện tích trung bình 150 - 200m2.
Nếu được UBND tỉnh xem xét, đồng ý bố trí nơi ở cho cặp vợ chồng thứ 2, thứ 3 trong khu đất thu hồi thì đây là chính sách rất nhân đạo, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.
Sau khi GPMB, người dân tiếp tục kiến nghị thì thành phố phải có trách nhiệm giải quyết. UBND TP. Gia Nghĩa sẽ thành lập tổ rà soát để đánh giá, soát xét lại tất cả các trường hợp kiến nghị.
Ngoài vấn đề pháp luật, tổ sẽ đánh giá lại tính xã hội và các vấn đề liên quan đối với các trường hợp đặc biệt để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết cho người dân.
Theo ông Thạch Cảnh Tịnh, qua rà soát, UBND TP. Gia Nghĩa nhận thấy nhiều trường hợp bị thu hồi đất có hoàn cảnh rất đặc biệt nhưng không có quy định riêng để giải quyết cho các trường hợp này.
Tuy nhiên, thành phố chỉnh trang đô thị để phục vụ người dân. Nếu người dân bị thu hồi đất nghèo khổ quá, phải ra đường thì không được. Việc giải quyết phải xem xét ở nhiều khía cạnh, vừa phải “đạt lý”, vừa phải “thấu tình”.
Nhưng thành phố khuyến cáo người dân phải chấp hành các quy định của pháp luật. Bởi chính quyền sẽ rất khó xem xét, giải quyết các kiến nghị của người chống đối pháp luật.
“Người dân cần hiểu là thành phố không có thẩm quyền cho hay không cho. Nhưng chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá và tập hợp tất cả các trường hợp đặc biệt để kiến nghị cấp trên giải quyết theo thẩm quyền. Chúng tôi dám hứa với người dân và khẳng định sẽ thực hiện đúng, đầy đủ vấn đề này”, ông Tịnh khẳng định.