Lạm phát của Nhật Bản giảm tốc lần đầu tiên sau 13 tháng
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:12, 24/03/2023
Ngày 24/3, Chính phủ Nhật Bản công bố các số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi trong tháng 2 tăng 3,1%, tức là đã giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ nhờ các trợ cấp của chính phủ về giá các mặt hàng cơ bản.
Tuy nhiên, giá thực phẩm vẫn tăng, có thể ảnh hưởng đến thái độ tiêu dùng của các hộ gia đình.
Đây là lần đầu tiên sau 13 tháng, tốc độ tăng của lạm phát có xu hướng chậm lại ở Nhật Bản - một tin mừng cho Thủ tướng Fumio Kishida trước thềm cuộc bầu cử địa phương.
Lạm phát hiện vẫn cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đặt ra trong gần 1 năm, đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với sức ép phải rút lại chính sách kích thích tiền tệ khi thống đốc mới sẽ nhậm chức từ tháng 4.
Tuy nhiên, theo Bộ Các vấn đề đối nội và truyền thông, CPI lõi (không tính các mặt hàng tươi sống có giá biến động) lẽ ra đã tăng khoảng 4,2% trong tháng 2 nếu chính phủ không trợ cấp giá điện và khí đốt.
Tháng 1/2023, chỉ số này đã tăng 4,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981, cho thấy sự nhạy cảm của Nhật Bản trước giá năng lượng và hàng hóa, trong khi đồng Yen mất giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu.
Các hộ gia đình Nhật ngày càng cảm thấy dễ tổn thương khi giá lương thực hằng ngày tăng vì các công ty tiếp tục chuyển chi phí nguyên liệu đầu vào cao sang người tiêu dùng. Tăng lương mạnh kịp lạm phát đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Giá lương thực đã tăng 7,8%, mức tăng mạnh nhất trong gần 47 năm, và giá nhiên liệu đầu vào và vận tải cao đã khiến một loạt sản phẩm từ hamburger đến chocolate trở nên đắt đỏ hơn. Giá trứng tăng 19,9% vì những lo ngại nguồn cung liên quan đến cúm gia cầm.
Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo gói hỗ trợ giảm lạm phát trị giá 2.000 tỷ Yen (15 tỷ USD), bao gồm cả hỗ trợ tiền mặt cho gia đình có thu nhập thấp. Nhờ vậy, giá năng lượng giảm 0,7%, lần đầu tiên giảm trong 2 năm qua. Hóa đơn điện giảm 5,5% trong khi giá khí đốt tăng 16,6% song mức tăng này chỉ bằng một nửa so với mức tăng của tháng trước.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, ông Yuichi Kodama dự báo giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, sức ép lạm phát vẫn cao nhưng lương cũng sẽ tăng nên tiêu dùng sẽ được hỗ trợ. Theo ông, thời gian khó khăn sẽ kéo dài đến mùa Hè, sau đó lạm phát sẽ giảm vì đà tăng giá dầu thô và đà mất giá của đồng yen đã dừng, trong khi giá lương thực sẽ ổn định.
BOJ cho biết lạm phát tăng chỉ mang tính tạm thời, vì phụ thuộc vào chi phí nhập khẩu tăng. Ngân hàng dự báo CPI lõi sẽ dưới mục tiêu 2% trong năm nay. BOJ đặt mục tiêu lạm phát ổn định đi kèm với tăng trưởng lương mạnh mẽ.
Trong các cuộc thương lượng về lương năm nay giữa các nghiệp đoàn và nhà quản lý, các công ty của Nhật Bản đã đồng ý tăng lương trung bình 3,8%. Số liệu sơ bộ cho thấy lương sẽ tăng mạnh nhất trong vòng 3 thập kỷ qua./.