Chuyên gia Ấn Độ đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:59, 23/03/2023

Giáo sư Pankaj Jha cho rằng kinh tế Việt Nam đã tránh được các xu hướng suy thoái thông thường trên khắp các thị trường châu Á và đang có tốc độ tăng trưởng tốt hơn mức trung bình.

Chuyen gia An Do danh gia cao su phat trien vuot bac cua Viet Nam hinh anh 1Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trang tin Moderndiplomacy.eu có trụ sở tại châu Âu đăng bài phân tích của giáo sư Pankaj Jha, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh (Đại học toàn cầu Jindal, Ấn Độ) về “Thành tựu phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam sau đại dịch COVID-19.”

Bài báo dẫn báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 6,2%.

Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đã tránh được các xu hướng suy thoái thông thường trên khắp các thị trường châu Á và đang có tốc độ tăng trưởng tốt hơn mức trung bình.

Theo bài báo, với tỷ lệ lạm phát dưới 4%, rõ ràng Việt Nam có khả năng nổi lên như một nền kinh tế đầy triển vọng ở châu Á. 

Nếu nhìn vào các yếu tố cơ bản của Việt Nam sau đại dịch COVID-19, có thể thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Việt Nam dao động khoảng 6,3-6,5%.

Một trong những khía cạnh chính của tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình này là đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, tiêu dùng nội địa tăng, tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể và Việt Nam tập trung thúc đẩy sản xuất chế tạo theo định hướng xuất khẩu.

Xét từ khía cạnh quan trọng khác, Việt Nam đảm bảo có được các khoản vay từ nhiều tổ chức quốc tế trong vài năm qua.

Với sự tài trợ và trợ cấp từ các định chế tài chính quốc tế khác nhau, Việt Nam có thể nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và kết nối biên giới cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của các địa phương.

Bài báo cho rằng trong thời gian dài, Việt Nam đã có những nỗ lực nghiêm túc để có thể nổi lên như một xã hội mạng lưới tri thức, bao gồm cải thiện các ứng dụng chính sách, nâng cao năng lực của các bên liên quan và cung cấp thông tin cho cộng đồng một cách thường xuyên.

Việt Nam cũng đã nhận được hơn 2 triệu USD tài trợ cho cơ sở hạ tầng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quỹ công nghệ cao từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Về việc đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cung cấp điện thành công cho 100% số xã từ mạng lưới điện quốc gia. 

Theo bài báo, hai khía cạnh Việt Nam thu hút sự chú ý của quốc tế gồm: xếp thứ 70/190 quốc gia về mức độ ưu đãi kinh doanh và thế mạnh chính là dân số trẻ với gần 70% dân số ở độ tuổi từ 15-64.

Có nhiều kỳ vọng rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi ấn tượng do Việt Nam đã ký thỏa thuận toàn diện cấp quốc gia về thúc đẩy du lịch bền vững và phục hồi sau COVID-19.

Giai đoạn 2022-2025, dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân lũy kế về du lịch đạt 13,5%/năm.

Bài báo kết luận sự chuyển đổi cũng đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ cũng như thực hiện cải cách trong hệ thống ngân hàng và quản trị tài chính.

Nỗ lực chống tham nhũng mà Việt Nam thực hiện trong vài năm qua đã lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.

Dư luận kỳ vọng Việt Nam sẽ gặt hái được kết quả tốt hơn nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, khả năng kết nối thị trường và lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở Đông Nam Á.

Theo dự kiến, các yếu tố cơ bản đang trở nên mạnh mẽ hơn và do đó, Việt Nam có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và kinh tế vĩ mô ổn định hơn trong năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)