Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông
Chiều 23/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng các thành viên thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Bộ GD-ĐT tham gia đoàn khảo sát.
Các đồng chí: Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành và huyện Đắk Glong tiếp làm việc với đoàn.
Theo báo cáo, tỉnh Đắk Nông hiện có 231 trường học, 4.110 lớp, hơn 146.000 học sinh. Năm học 2022-2023, quy mô trường lớp, học sinh phát triển tương đối ổn định. 100% cán bộ quản lý giáo dục các cấp đạt chuẩn về trình độ trở lên theo quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được triển khai kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại.
Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát triển ổn định. Chuyển biến rõ nét nhất là từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh; đổi mới mạnh mẽ về phương pháp và hình thức dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Công tác lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương thực hiện kịp thời và đúng quy định; công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng có sự tiến triển…
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh Đắk Nông gặp một số khó khăn như thiếu giáo viên; một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa thật sự chủ động trong việc nghiên cứu, tiếp cận với Chương trình GDPT năm 2018. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương. Kết quả phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề còn thấp. Cơ sở vật chất trang thiết bị vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn do tài liệu tham khảo, tư liệu, hình ảnh còn ít, chưa được phong phú…
Sau khi nghe báo cáo và tổng hợp kết quả từ các buổi giám sát trực tiếp, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thu ngân sách chưa cao, nhưng tỉnh Đắk Nông đã dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề giáo dục, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã mang lại kết quả đáng khích lệ trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Trực tiếp trao đổi cùng đại diện các sở, ngành, địa phương, trong đó chủ yếu là lãnh đạo ngành Giáo dục các cấp, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, tỉnh Đắk Nông, đặc biệt là ngành Giáo dục và giáo viên đã chủ động triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, giáo viên, nhận sự hỗ trợ của toàn xã hội. Đắk Nông cũng là địa phương đầu tiên triển khai việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, qua đó cho thấy sự quan tâm, nỗ lực, quyết liệt của tỉnh Đắk Nông đối với sự nghiệp giáo dục.
“Chúng tôi nhận thấy thách thức, khó khăn lớn nhất của tỉnh Đắk Nông trong việc thực hiện các lộ trình của Chương trình GDPT năm 2018 là cơ sở vật chất và nguồn lực. Chính vì thế, Đắk Nông cần tích hợp các nguồn lực, coi trọng cách thức triển khai để giải quyết tình trạng thiếu kinh phí trong điều kiện thu ngân sách thấp. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các thành viên trong đoàn công tác, khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai các nghị quyết, bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất trong việc dạy và học.”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Tiếp thu đánh giá, nhận xét của đoàn công tác, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với đặc thù là tỉnh đa dạng về thành phần dân tộc, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, điều kiện kinh tế còn thiếu thốn nên quá trình triển khai Chương trình GDPT năm 2018 vẫn còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, gợi ý của các thành viên trong đoàn giám sát, tỉnh Đắk Nông sẽ phát huy nội lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội.