TP.HCM mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế xanh với Italy
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:40, 23/03/2023
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Ngày 23/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giaoViệt Nam-Italy (23/3/1973-23/3/2023).
Năm nay cũng là năm đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác song phương ngày càng bền chặt giữa hai nước.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa Italy-Việt Nam đã phát triển tích cực, toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực, cả về hợp tác song phương cũng như đa phương. Tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục được củng cố, phát triển.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã trao tặng Italy hơn 300.000 chiếc khẩu trang và Italy hỗ trợ Việt Nam 2,8 triệu liều vaccine. Đây là những minh chứng sinh động, đầy tình cảm của mối quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng và hiệu quả giữa hai nước, khắc sâu tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Trên nền tảng song phương tốt đẹp đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Italy. Quan hệ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Italy đạt được nhiều thành quả trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch.
“Về thương mại, trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 591 triệu USD. Về đầu tư, tính đến ngày 20/2/2023, Italy có 64 dự án đầu tư tại thành phố với tổng vốn đạt 85 triệu USD, đứng thứ 26/117 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại thành phố. Các con số này rất đáng khích lệ dù vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên,” ông Phan Văn Mãi cho biết.
[Việt Nam-Italy: Nền tảng vững chắc từ những viên gạch nhỏ]
Nhận định về triển vọng hợp tác sắp tới, ông Phan Văn Mãi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ để các doanh nghiệp Italy tiếp cận thị trường ASEAN và các thị trường khác thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Trong khi đó, Italy là thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), là thị trường lớn và cửa ngõ đường biển quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ trong một khu vực kinh tế năng động, với dân số trẻ tại châu Á và có tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh sẽ là một thị trường đầy tiềm năng đối với hàng hóa của Italy.
Trong quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Italy, kinh tế luôn là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Nền kinh tế Italy đang hướng đến ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đây cũng là hướng đi của nền kinh tế thành phố.
“Sự phù hợp trong định hướng phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng để chúng ta đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 6 tỷ USD trong năm 2022 và tôi tin chắc rằng mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong tương lai sẽ không còn quá xa nữa,” ông Phan Văn Mãi nói.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng các hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực giữa hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai, qua đó, góp phần tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Điểm lại những cột mốc đáng nhớ giữa hai nước, ông Enrico Padula, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đối với công chúng Italy, hình ảnh Việt Nam đã dần thay đổi từ một mảnh đất đầy thương tích của chiến tranh thành một đất nước tươi đẹp với những phong cảnh như mơ, con người hiếu khách, một nền kinh tế sôi động và một nền văn hóa cuốn hút.
Tổng Lãnh sự Cộng hòa Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh Enrico Padula phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Theo ông Enrico Padula, quan hệ giữa Italy và Việt Nam trải rộng trên nhiều bình diện, trao đổi công nghệ là một phần quan trọng trong đó. Nền kinh tế xanh, lĩnh vực mà Việt Nam đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu then chốt nhằm tạo ra một mô hình tuần hoàn, bền vững hơn. Italy là quốc gia có thể cung cấp công nghệ cũng như chuyên môn để thực hiện những dự án đầy tham vọng như vậy.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vũ trụ, lĩnh vực mà Italy và Việt Nam có thể hợp tác nhằm tích hợp công nghệ quan sát, liên lạc vệ tinh thành một hệ thống phục vụ phát triển nông nghiệp, ngăn ngừa thiên tai, nâng cao an toàn trên biển, giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu trên sông và bờ biển.
Song song đó, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng giữa hai quốc gia Italy và Việt Nam. Trong đó có hợp tác về âm nhạc, sân khấu, văn học, điện ảnh và hợp tác giữa các trường đại học khi ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn hệ thống các trường đại học Italy cho bậc học cao hơn.
“Italy đã và đang tích cực trong các dự án bảo tồn di sản ở miền Trung Việt Nam và hy vọng có thể hợp tác hơn nữa với Việt Nam về di sản văn hóa, kiến trúc. Bằng các kinh nghiệm quản lý di sản của mình, Italy sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này,” ông Enrico Padula cho biết.
Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam-Italy, dự kiến trong tháng Năm tới, tàu hải quân Francesco Morosini sẽ cập bến cảng Nhà Rồng lần đầu tiên sau 20 năm. Đây là một dịp đặc biệt để người dân Thành phố Hồ Chí Minh tham quan con tàu hiện đại nhất của Hải quân Italy.
Hợp tác chính trị mở rộng sang lĩnh vực tư pháp, an ninh qua các chuyến thăm lẫn nhau trong những năm gần đây và nhiều chương trình khác đang được lên kế hoạch./.