Thời sự

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về sách giáo khoa tại Đắk Glong

Thanh Hằng 23/03/2023 14:40

Sáng 23/3, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề về sách giáo khoa tại huyện ĐắK Glong.

Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Trưởng đoàn, làm việc tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som). Đoàn giám sát do ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Trưởng đoàn, làm việc tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Quảng Khê).

hinh-1(2).jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính.

Tại các nơi làm việc, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới, ngay từ đầu năm học, các trường đã xây dựng khung chương trình giáo dục cho từng khối, từng môn; phát huy tính chủ động sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên; khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình.

hinh-4(1).jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tại Trường THCS Nguyễn Du.

Quá trình triển khai cho thấy, bộ sách giáo khoa mới có cấu trúc, nội dung gợi mở, tạo cơ hội cho nhà trường, thuận lợi cho giáo viên và khuyến khích học sinh học tập, nghiên cứu, phát huy tính chủ động.

Cụ thể, theo Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính đánh giá, thông qua việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới, học sinh đã phát huy được năng lực, phẩm chất; phương pháp và hình thức dạy học được đổi mới; cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được đầu tư, cải thiện nâng cấp…

hinh-2(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa kiểm tra thực tế việc triển khai các nghị quyết tại lớp học.

Tuy nhiên, việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội vẫn còn gặp những khó khăn, tồn tại do đây là trường đặc thù, có hơn 90% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số và đóng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Trường cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng đọc thông - viết thạo của học sinh; thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tin học; cơ sở vật chất thiếu qua từng năm do số lượng học sinh tăng…

Cùng quan điểm, theo Trường THCS Nguyễn Du, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đòi hỏi giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có khả năng tiếp cận chương trình, phương pháp dạy học tích cực. Thông qua đó, chất lượng hai mặt của học sinh khối 6 và 7 có chuyển biến tích cực; học sinh ở các khối này tự tin, năng động, sáng tạo hơn.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai cũng có một số khó khăn như môn Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, Lịch sử & địa lý có sự lúng túng, bất cập trong phân công giảng dạy, bố trí thời khóa biểu vì chưa có giáo viên chuyên trách. Việc phối hợp dạy tích hợp, liên môn tốn nhiều thời gian công sức của giáo viên. Đặc biệt, do tình hình dịch Covid-19 phải chuyển trạng thái dạy học liên tục cũng đã ảnh hưởng đến nội dung chương trình phổ thông mới.

hinh-3(1).jpg
Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục Đắk Nông.

Tại các nơi làm việc, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục Đắk Nông trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới. Sau gần 10 năm chuẩn bị và thực hiện Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có 3 năm học triển khai dạy và học trực tiếp, đoàn công tác ghi nhận ý kiến từ những người đứng lớp để từ đó có đánh giá chính xác, phù hợp nhất.

Đặc biệt, theo các thành viên trong đoàn giám sát, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, một số mô hình trường học đặc thù, việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội sẽ có những vấn đề riêng. Chính vì thế trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh một số vướng mắc, bất cập, cần có những điều chỉnh trong thời gian tới. Nội dung buổi làm việc sẽ là cơ sở để đoàn giám sát trao đổi với Bộ GD-ĐT và kiến nghị với Chính phủ, đồng thời có báo cáo giám sát đầy đủ, trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2023.

Thanh Hằng