Nguy cơ sa thải hàng loạt sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:09, 22/03/2023
Logo ngân hàng UBS. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 22/3, giới chuyên gia phân tích cảnh báo hàng chục nghìn việc làm có nguy cơ bị cắt giảm tại Thụy Sĩ sau khi UBS tiếp quản lại ngân hàng Credit Suisse.
Thông tin ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ mua lại ngân hàng lớn thứ hai đã gây ra cú sốc lớn đối với quốc gia vốn nổi tiếng về lĩnh vực tài chính và ngân hàng này.
Liên đoàn các nghiệp đoàn Thụy Sĩ (SGB) cảnh báo vụ sáp nhập đã đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp đến hàng chục nghìn việc làm.
Trong khi đó, Hiệp hội nhân viên ngân hàng Thụy Sĩ (SBPV) nhận định rủi ro mà các nhân viên Credit Suisse đang đối mặt là rất nghiêm trọng.
Cả hai ngân hàng trên có tổng cộng khoảng 120.000 nhân viên trên toàn cầu, trong đó có 37.000 nhân viên tại Thụy Sĩ.
Một khi quá trình sáp nhập hoàn tất, số vị trí chắc chắn sẽ giảm đi nhiều bởi hai ngân hàng có hàng loạt chi nhánh trên khắp Thụy Sĩ, cung cấp các loại hình dịch vụ giống nhau.
Tổ chức nghiên cứu kinh tế BAK ngày 20/3 nhận định có khoảng 12.000 vị trí ở 2 ngân hàng UBS và Credit Suisse sẽ biến mất.
Theo SGB, tình trạng này sẽ tác động tiêu cực tới nhiều nhà thầu độc lập và các doanh nghiệp dịch vụ.
Các chuyên gia cho rằng các việc làm có nguy cơ cao nhất là ở ngân hàng Credit Suisse, với gần 17.000 vị trí tại Thụy Sĩ, và một số lượng nhân viên tương đương trong mảng đầu tư đang gặp khó khăn của ngân hàng này. Tuy nhiên, các vị trí nhân sự tại UBS cũng đối mặt với rủi ro tương tự.
Theo Giáo sư kinh tế Stephane Garelli tại Viện Phát triển quản lý quốc tế, khi bị chồng chéo về các mảng dịch vụ, nhân viên UBS chưa chắc đã được chọn để tiếp quản đơn vị sáp nhập.
Trong khi đó, quỹ Ethos - đại diện cho quỹ hưu trí tại Thụy Sĩ và đồng thời sở hữu cổ phần của cả 2 ngân hàng trên - đã thúc giục nhà chức trách Thụy Sĩ và UBS tách riêng mảng kinh doanh trong nước đang phát triển tốt của Credit Suisse.
Điều này sẽ giúp duy trì việc làm, đảm bảo cạnh tranh công bằng, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả.
Về phần mình, các nghiệp đoàn Thụy Sĩ đang đề nghị các ngân hàng và chính phủ triển khai kế hoạch giải cứu quy mô lớn cho những nhân viên chịu ảnh hưởng.
Với sự hỗ trợ của chính phủ, nghiệp đoàn nhân viên ngân hàng tuyên bố đã bắt đầu thành lập nhóm đặc trách bao gồm nhân viên của UBS và Credit Suisse nhằm hướng tới việc triển khai gói cứu trợ các nhân viên.
Bên cạnh đó, họ cũng đề xuất hoãn cắt giảm nhân sự cho đến cuối năm 2023. Các nghiệp đoàn chỉ ra rằng dù ngành tài chính Thụy Sĩ vẫn đang thiếu hụt lao động tay nghề cao, song quá trình sáp nhập hai ngân hàng lớn nhất nước có nguy cơ làm giảm số việc làm ở mức thị trường lao động ngành ngân hàng không thể thích ứng.
UBS đã đồng ý mua Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ theo thỏa thuận được công bố ngày 19/3 trị giá 3,2 tỷ USD.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng cấp khoản bảo lãnh 9 tỷ franc (9,7 tỷ USD) cho UBS để giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu do mua lại một số tài sản có khả năng bị thua lỗ.
Trong khi đó, nhằm đảm bảo tính thanh khoản và tạo điều kiện cho việc tiếp quản thành công, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB - ngân hàng trung ương) đã đồng ý cung cấp hạn mức thanh khoản 100 tỷ franc (108 tỷ USD) cho Credit Suisse./.