Số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản
Số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản giúp minh bạch quy trình sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho việc nắm bắt thông tin về sản phẩm. Đây cũng là cách giúp tăng giá trị hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.
Xu hướng tất yếu
Nhận thấy tầm quan trọng của sản phẩm nông nghiệp an toàn, cùng với việc tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong) đã chủ động áp dụng tem mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc.
Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX cho biết: “Có tem truy xuất nguồn gốc, giúp HTX minh bạch thông tin sản phẩm. Người tiêu dùng cũng yên tâm khi sử dụng vì biết rõ địa chỉ sản xuất và thông tin từ đơn vị sản xuất”.
Nhờ vậy, sản phẩm rau, củ VietGAP của HTX hiện đang được tiêu thụ rộng qua nhiều kênh bán lẻ khác nhau. Trong đó, gần 30% sản lượng hàng hóa đang được cung ứng cho hệ thống Siêu thị Co.opMart, với giá cao hơn 20 - 30% so với thị trường.
Xu hướng số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản hiện đang được nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông áp dụng. Nhiều đơn vị đã chủ động gắn tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ cấp phát hàng chục nghìn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code cho các chủ thể sản xuất.
Nhiều mã vùng trồng, mã đóng gói được hỗ trợ xây dựng, giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa ra thị trường cả trong, ngoài nước.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 86 hồ sơ vùng trồng (72 hồ sơ) và cơ sở đóng gói (14 hồ sơ). Ngành Nông nghiệp đã thẩm định, kiểm tra và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã đối với 40 hồ sơ. Kết quả đã có 8 cơ sở được cấp mã số đang hoạt động, bao gồm: 5 mã vùng trồng, với diện tích 235 ha; 3 mã cơ sở đóng gói.
Tăng cường quản lý mã số
Việc triển khai số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản đang góp phần mang lại nhiều giá trị cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Những quy định về xây dựng và cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của nước nhập khẩu rất nghiêm ngặt. Người nông dân chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định này.
Mã số vùng trồng đã cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, những vùng trồng chưa cấp mã số vẫn được thương lái lợi dụng mượn những mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu.
Trong khi đó, yêu cầu về diện tích cho 1 vùng trồng cây ăn quả tối thiểu 10ha. Để thiết lập 1 vùng trồng, cần khoảng 50-100 nông dân đồng thuận tham gia. Do vậy, rất khó để đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tại vùng trồng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu…
Đắk Nông đang tập trung mở rộng phát triển nền tảng cấp, quản lý mã số vùng trồng. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với các mặt hàng chủ lực, sản phẩm OCOP.
Việc hỗ trợ các đơn vị thực hiện chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cải tiến công nghệ sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh.
Tỉnh tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Các chủ thể có mã số tiếp tục được hỗ trợ thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong đó chú ý tới việc lập và lưu hồ sơ, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…