Chuyến công du kết nối Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Thủ tướng Nhật
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:51, 21/03/2023
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc gặp ở New Delhi ngày 20/3/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kết thúc chuyến công du Ấn Độ bằng việc công bố kế hoạch hành động mới của Tokyo nhằm thúc đẩy sáng kiến xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).
Với việc lựa chọn Ấn Độ - quốc gia nằm ở Ấn Độ Dương - để công bố kế hoạch này, Thủ tướng Kishida - vốn đến từ một quốc gia Thái Bình Dương - dường như muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nước ở hai đại dương trong việc hiện thực hóa FOIP.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng muốn thúc đẩy Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong việc thực hiện mục tiêu này.
Phát biểu trong chuyến thăm từ ngày 20-21/3, Thủ tướng Kishida cho rằng cộng đồng quốc tế đang đứng trước “bước ngoặt lịch sử” trong bối cảnh có những thay đổi trong cán cân quyền lực, và “ngay tại ở bước ngoặt này, khái niệm cơ bản về FOIP vẫn không thay đổi."
Ông cũng nhấn mạnh rằng “FOIP đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc theo đuổi mục tiêu dẫn dắt cộng đồng quốc tế hướng tới hợp tác thay vì chia rẽ và đối đầu.”
Kế hoạch hành động của Nhật Bản bao gồm 4 trụ cột: các nguyên tắc vì hòa bình và các quy tắc vì thịnh vượng; cách tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó với các thách thức; kết nối đa tầng; và an ninh lan rộng từ biển tới bầu trời.
Lý giải về trụ cột thứ nhất, Thủ tướng Kishida cho biết trụ cột này nhằm thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản tối thiểu giữa cộng đồng quốc tế, trong đó có tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực như đã được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Đối với trụ cột thứ hai, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản kêu gọi thúc đẩy “hợp tác thực tế và thiết thực” đối với các vấn đề của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, y tế, an ninh mạng và phát triển bền vững.
Về trụ cột thứ ba, Thủ tướng Kishida giải thích kết nối đa tầng đề cập đến những nỗ lực kết nối các quốc gia và hiện thực hóa tăng trưởng trên toàn khu vực.
Ông cho rằng các nước Đông Nam Á và Nam Á cũng như các quốc đảo Thái Bình Dương là những khu vực quan trọng.
Để triển khai trụ cột này, Tokyo sẽ đóng góp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN, đồng thời sẽ cải tổ Sáng kiến Kết nối Nhật Bản-ASEAN, hỗ trợ các dự án vận tải và logistics cũng như các hoạt động giao lưu nhân dân.
Tại Nam Á, Nhật Bản sẽ tìm cách thúc đẩy sự phát triển của toàn khu vực và củng cố an ninh kinh tế, bao gồm cả việc phát triển năng lực công nghiệp của Vịnh Bengal và vùng Đông Bắc Ấn Độ.
Mặt khác, Nhật Bản sẽ nỗ lực tăng cường chia sẻ kiến thức thông qua việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực giúp thúc đẩy hoạt động đổi mới và hỗ trợ sự phục hồi của khu vực.
Để đạt được điều này, Tokyo đặt mục tiêu đẩy mạnh các chương trình trao đổi khác nhau như JENESYS và Dự án Cầu nối châu Á dành cho học sinh trung học, đồng thời hỗ trợ các trường đại học Nhật Bản mở rộng hoạt động ra nước ngoài và các dịch vụ chăm sóc tích cực (ICU) do các chuyên gia Nhật Bản cung cấp ở các nước đang phát triển.
Trụ cột cuối cùng tập trung vào việc mở rộng các sáng kiến an ninh từ lĩnh vực hàng hải truyền thống sang lĩnh vực hàng không.
Điều này bao gồm việc chuyển giao các radar cảnh báo và kiểm soát, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan hàng không về các công nghệ mới, bao gồm máy bay không người lái, cũng như thúc đẩy phát triển và trao đổi nguồn nhân lực, bao gồm cả việc sử dụng vệ tinh.
Ngoài ra, các biện pháp chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định và hợp tác với quân đội của các quốc gia có cùng chí hướng cũng sẽ được thúc đẩy.
Theo Thủ tướng Kishida, Tokyo sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của một số quốc gia, bao gồm các quốc đảo ở Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự chung với cả các quốc gia Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Để giúp thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao, chẳng hạn như thúc đẩy và mở rộng việc sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Thủ tướng Kishida cũng thông báo các khu vực công và tư nhân của Nhật Bản dự kiến sẽ đầu tư 75 tỷ USD cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thời gian từ nay tới năm 2030.
Bên cạnh đó, ông cũng không quên đề cập tới vai trò của New Delhi khi nhấn mạnh rằng “Ấn Độ là một đối tác quan trọng” trong việc hiện thực hóa kế hoạch hành động trên, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với New Delhi trong việc đóng góp vào sự ổn định ở khu vực Nam Á.
(Nguồn: Indiatimes)
Trên thực tế, Ấn Độ đóng vai trò khá quan trọng đối với kế hoạch hành động của Nhật Bản. Không chỉ có dân số và diện tích lớn nhất ở Ấn Độ Dương, New Delhi còn có ảnh hưởng lớn đối với nhiều nước ở khu vực này.
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn là thành viên của nhóm Bộ tứ - khuôn khổ an ninh bốn bên có sự tham gia của cả Nhật Bản, Mỹ và Australia - và là một thành viên chủ chốt của "Nam Bán cầu" - một thuật ngữ chỉ các quốc gia đang phát triển trong các khu vực như châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Đặc biệt, Ấn Độ hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20) năm 2023.
Trong quan hệ song phương, Ấn Độ đang trở thành một trong những đối tác quan trọng của Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, quan hệ Nhật-Ấn đã phát triển nhanh chóng, từ “đối tác toàn cầu” năm 2000 lên “đối tác chiến lược và toàn cầu” năm 2006 và “đối tác chiến lược toàn cầu và đặc biệt” năm 2014.
Hai nước đã thiết lập cơ chế họp thượng đỉnh hằng năm kể từ năm 2006 và cơ chế đối thoại 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước.
Đây có thể là một trong những lý do quan trọng khiến Thủ tướng Kishida mời người đồng cấp Ấn Độ tới Hiroshima tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng Năm tới.
Với chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản, Tokyo đang tiếp tục củng cố vị thế toàn cầu và vai trò là một nước lớn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng thể hiện cách tiếp cận của Nhật Bản trong việc lôi kéo Ấn Độ tham gia sâu hơn vào các cấu trúc khu vực. /.