Pháp luật

Vì sao xử lý hành vi hủy hoại đất chưa hiệu quả ?

Lê Phước 22/03/2023 05:00

Những năm gần đây, tình trạng hủy hoại đất tại Đắk Nông ngày càng trở nên phức tạp, gây ra nhiều hậu quả cho môi trường, cộng đồng và kinh tế địa phương. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý hiện vẫn còn quá nhẹ nhàng, chưa đủ sức để ngăn chặn tình trạng này.

Vào tháng 3 năm 2022, UBND TP. Gia Nghĩa đã ra quyết định xử phạt hành chính ông N.V.H (trú tại Nghĩa Trung, Gia Nghĩa) với số tiền 7,5 triệu đồng do ông đã hủy hoại đất trên diện tích 992m2 tại phường Nghĩa Trung.

Ngoài khoản tiền phạt, UBND TP. Gia Nghĩa cũng yêu cầu ông H phải khắc phục hậu quả bằng cách khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

a1-1-.jpg
Khu vực san ủi đất quy mô lớn tại phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

Ngoài xử phạt, UBND TP. Gia Nghĩa còn yêu cầu ông H phải hoàn trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu. Nếu không chấp hành, Nhà nước sẽ thu hồi đất của ông H theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai.

Qua tìm hiểu của phóng viên, sau khi có quyết định xử phạt, ông H đã chấp hành nộp tiền phạt. Tuy nhiên, vấn đề khắc phục hâu quả, người này vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo lãnh đạo UBND phường Nghĩa Trung, hầu hết các hành vi san ủi được xác định là hủy hoại đất đều bỏ ngỏ việc xử lý biện pháp khắc phục hậu quả.

“Quy định nghiêm, nhưng người vi phạm không khắc phục thì cũng chẳng xử lý gì. Nhiều năm nay, ở địa phương cũng chưa có ai bị thu hồi đất do vi phạm cả”, lãnh đạo UBND phường Nghĩa Trung cho biết

Thời gian qua, nhiều người dân ở Gia Nghĩa có nhu cầu san ủi mặt bằng để xây dựng công trình, cải tạo đất nông nghiệp… Việc san ủi mặt bằng tại Gia Nghĩa vì thế ngày càng nhiều hơn.

Đặc biệt, trong những thời điểm “sốt đất”, người dân san ủi để cải tạo mặt bằng càng nhiều hơn. Nhiều điểm múc đất quy mô lớn, có nguy cơ gây tác động đến các vùng xung quanh được phát hiện. Có thể kể đến như khu vực san ủi tại suối Đắk R’tih, thác cá sấu, đồi Cường Thịnh…

a2-1-.jpg
Một vụ việc san lấp mặt bằng gần suối Đắk R'tih được UBND TP. Gia Nghĩa phát hiện nhưng xử lý chưa đến kết quả cuối cùng

Ngoài TP. Gia Nghĩa, việc yêu cầu người vi phạm về san ủi đất khôi phục hiện trạng tại các huyện cũng rất khó khăn. Nguyên nhân là do người dân tìm cách đối phó, trong khi chính quyền và các lực lượng chức năng lại kém quyết liệt trong khâu xử lý...

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai quy định, người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất thì bị thu hồi đất. Quy định là vậy, nhưng thực tế, việc xác định thế nào là cố ý cũng chưa rõ ràng.

Từ trước tới nay, ở Đắk Nông hầu như chưa có trường hợp nào bị thu hồi đất vì hành vi cố ý hủy hoại đất. Điều này dẫn đến việc thiếu sức răn đe trong cộng đồng.

Thậm chí, hạn chế này còn tạo kẽ hở cho các hành vi vi phạm về hủy hoại đất. Nhiều đối tượng san ủi đất sẵn sàng “cố đấm ăn xôi”, chấp nhận xử phạt để đạt được mục đích. 

a3-san-lap-mat-bang-1-.jpg
Tình trạng san lấp mặt bằng diễn ra phổ biến ở Đắk Nông nhưng việc xử lý đang rất hạn chế.

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 80, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định chi tiết hơn. Trong đó, Dự thảo nêu trường hợp sẽ bị thu hồi đất nếu “cố ý hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm” .

Theo nhiều người dân tại Đắk Nông, Chính phủ cần quy định rõ việc “cố ý hủy hoại đất” và tái phạm hủy hoại đất. Hơn nữa, cũng cần xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục để cơ quan Nhà nước thu hồi đất của các đối tượng vi phạm.

"Phải có chế tài mạnh, thậm chí quy định theo hướng tăng cường xử lý hình sự thì mới phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm hủy hoại đất đang có dấu hiệu “nhờn thuốc” như hiện nay", một người dân cho hay.

Lê Phước