Cấp phát methadone như thế nào?

Chính sách - Ngày đăng : 18:47, 20/03/2023

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuốc methadone. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về kê đơn, cấp phát thuốc methadone.

Thuốc methadone cai nghiện được cấp phát thế nào? - Ảnh 1.

Kê đơn thuốc methadone

Theo dự thảo, bác sỹ chỉ được kê đơn thuốc methadone sau khi trực tiếp khám, đánh giá người bệnh.

Kê đơn thuốc methadone phải tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn quy định tại Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone và các quy định sau:

Đối với người bệnh trong giai đoạn dò liều: Bác sỹ kê đơn thuốc methadone hằng ngày.

Đối với người bệnh trong giai đoạn điều chỉnh liều: Bác sỹ kê đơn thuốc methadone sau từ 3 đến 5 ngày điều trị tùy theo tình trạng của người bệnh và phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc của đợt điều chỉnh liều.

Đối với người bệnh trong giai đoạn điều trị duy trì: Thời gian mỗi lần chỉ định thuốc methadone không vượt quá 30 ngày và phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc của đợt điều trị.

Đối với người bệnh trong giai đoạn giảm liều tiến tới ngừng điều trị: Thời gian mỗi lần chỉ định thuốc methadone là 14 ngày và phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc của đợt điều trị.

Đối với người bệnh trong giai đoạn điều trị duy trì nhưng phải nằm điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh không cung cấp dịch vụ điều trị methadone hoặc phải nằm tại nhà không thể đến cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc để uống hằng ngày: Thời gian mỗi lần chỉ định thuốc methadone không vượt quá 7 ngày; phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc và ghi rõ tần suất số liều cấp cho người bệnh mang về để sử dụng. Tổng số liều cấp tối đa cho người bệnh mang về là 7 ngày cho 1 lần cấp.

Đối với người bệnh được cấp thuốc methadone nhiều ngày: Thời gian mỗi lần chỉ định thuốc methadone không vượt quá 30 ngày và phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc và ghi rõ tần suất số ngày cấp thuốc methadone mang về. Số liều cấp cho người bệnh mang về phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của người bệnh sau khi theo dõi, đánh giá hàng tháng và thực hiện theo nguyên tắc tăng dần hàng tháng nếu người bệnh tuân thủ điều trị tốt; giảm số liều hoặc chấm dứt cho người bệnh mang thuốc về nếu người bệnh không tuân thủ điều trị. Tổng số liều cấp tối đa cho người bệnh mang về là không quá 10 ngày cho 1 lần cấp.

Cấp phát thuốc methadone hằng ngày

Dự thảo nêu rõ, khi cấp phát thuốc tại cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc, nhân viên cấp phát thuốc methadone có trách nhiệm cấp phát đúng liều cho người bệnh theo chỉ định của bác sỹ trong đơn thuốc. Trường hợp người bệnh đang trong giai đoạn dò liều, nhân viên cấp phát thuốc phối hợp với bác sỹ và cán bộ hành chính theo dõi người bệnh trong vòng từ 3 đến 4 giờ sau khi uống liều thuốc methadone đầu tiên.

Bên cạnh đó, nhân viên cấp phát thuốc methadone quan sát người bệnh trong khi uống thuốc để bảo đảm người bệnh uống hết thuốc methadone trước khi ra khỏi cơ sở; ghi chép việc sử dụng thuốc methadone của người bệnh vào Sổ theo dõi phát thuốc methadone hằng ngày và Phiếu theo dõi người bệnh điều trị bằng thuốc; tuân thủ nguyên tắc bảo mật thông tin của người bệnh.

Khi nhận thuốc methadone tại cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc, người bệnh có trách nhiệm: Uống hết thuốc methadone trước sự có mặt của nhân viên y tế; xác nhận đã uống thuốc vào Phiếu theo dõi điều trị methadone; tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế.

Cấp phát thuốc methadone nhiều ngày

Khi cấp thuốc methadone nhiều ngày tại cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc, nhân viên cấp phát thuốc có trách nhiệm thu hồi vỏ chai thuốc đã qua sử dụng của lần cấp phát trước và kiểm tra số lượng, tính phù hợp, tính chính xác các thông tin trên nhãn phụ vỏ chai thuốc; cấp phát đúng liều, đúng số lượng cho người bệnh theo chỉ định của bác sỹ trong đơn thuốc và yêu cầu người bệnh phải uống 1 liều thuốc methadone của ngày hôm đó tại cơ sở.

Nhân viên cấp phát thuốc quan sát người bệnh trong khi uống thuốc để bảo đảm người bệnh uống hết thuốc methadone trước khi ra khỏi cơ sở;

Nhân viên cấp phát thuốc ra lẻ thuốc cấp cho bệnh nhân mang về: Chuẩn bị đủ số lượng chai đựng thuốc; điền đầy đủ thông tin và dán nhãn phụ lên chai đựng thuốc; cấp đủ số lượng thuốc methadone cho người bệnh mang về sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ; kiểm tra độ kín của từng chai thuốc để đảm bảo thuốc không bị đổ hay rò rỉ khi dốc ngược chai trước khi người bệnh mang về sử dụng...

Khi nhận thuốc methadone tại cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc, người bệnh có trách nhiệm: Xuất trình Sổ theo dõi cấp thuốc methadone và thẻ điều trị methadone khi đến nhận thuốc; trả đầy đủ số vỏ chai thuốc đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, người bệnh uống hết 1 liều thuốc methadone của ngày hôm đó trước sự có mặt của nhân viên y tế và nhận đủ số lượng thuốc methadone mang về sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ; xác nhận đã uống và nhận đủ số lượng thuốc mang về vào Phiếu theo dõi điều trị methadone; tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi mang thuốc methadone về để sử dụng, người bệnh có trách nhiệm: Tự vận chuyển và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc trong toàn bộ quá trình nhận thuốc methadone nhiều ngày.

Đồng thời, mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp khi mang thuốc ra khỏi cơ sở, bao gồm: Sổ theo dõi cấp thuốc methadone nhiều ngày; thẻ điều trị methadone; đơn thuốc methadone; giấy tờ tùy thân hợp pháp (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân). Người bệnh đảm bảo sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ và hoàn trả lại vỏ chai thuốc khi quay lại cơ sở để nhận thuốc.

Methadone là một chất tổng hợp, đồng vận với các chất dạng thuốc phiện (CDTP); hấp thu tốt qua đường uống, có thời gian bán hủy dài, mặc dầu có sự khác biệt thời gian bán hủy huyết tương giữa các cá thể. Tác dụng của methadone tương tự như morphin và các CDTP khác.

Mục tiêu của điều trị duy trì bằng thuốc methadone là giảm hoặc ngừng sử dụng bất hợp pháp CDTP, cải thiện tình trạng sức khỏe, cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng ở những bệnh nhân đang điều trị, giảm lây truyền các bệnh lây truyền qua đường máu liên quan đến tiêm chích các CDTP, giảm nguy cơ tử vong liên quan đến sử dụng các CDTP và giảm tội phạm liên quan đến sử dụng các CDTP.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây