Đoàn ĐBQH Đắk Nông chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 20/3, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp Phiên thứ 21, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Đồng chí Dương Khắc Mai, TUV, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.
Tham dự phiên họp, các ĐBQH đã chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và lĩnh vực kiểm sát. Tại điểm cầu Đắk Nông, các ĐBQH tỉnh tham dự và đặt câu hỏi chất vấn về những vấn đề liên quan.
Nâng cao chất lượng xét xử, giảm án oan sai
Đối với lĩnh vực tòa án, các ĐBQH tập trung chất vấn các vấn đề: giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án; công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành…
Trả lời những chất vấn mà các vị ĐBQH nêu ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận thực tế, trong xét xử vẫn có hiện tượng nể nang, né tránh. Để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xét xử.
Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TAND tối cao đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện. Tuy nhiên, số lượng biên chế của Tòa án hiện nay rất ít, điều này tạo ra áp lực đối với hệ thống tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử.
Đối với tình trạng oan sai, xin lỗi người bị án oan, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận thực tế và cho rằng việc xuất hiện tình trạng oan sai là do chất lượng xét xử chưa cao. Việc bồi thường phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định của tòa không thể cao hơn luật.
Thực hiện cơ chế “công tố song hành điều tra”
Chiều 20/3, phiên họp đã tiến hành chất vấn Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí. Các vị ĐBQH đã tập trung chất vấn và tranh luận vào một số nội dung như giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao…
Chất vấn Viện trưởng VKSND tối cao từ điểm cầu tỉnh Đắk Nông, ĐBQH tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai cho rằng, hiện nay đã có quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án, quyết định của tòa thế nhưng chưa quy định đối với người phải thi hành án hành chính. Điều này gây chậm tiến độ thi hành án, thi hành án chưa đúng, chưa đủ, tạo dư luận không tốt. Cơ quan kiểm sát và Viện trưởng VKSND tối cao có giải pháp, kiến nghị gì để khắc phục những vấn đề đã nêu, bảo đảm sự nghiêm túc của mọi chủ thể trong tuân thủ pháp luật.
Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết: “Hiện nay luật chưa có chế tài cụ thể nên Viện KSND chỉ có quyền kiến nghị chủ thể chấp hành việc thi hành án. Trong trường hợp kiến nghị nhiều lần mà vẫn chưa thi hành án thì Viện KSND báo cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Thực tế này cũng liên quan trực tiếp tới vấn đề có nên sửa đổi Luật Tố tụng dân sự hay không ?”.