Đức tham vấn liên chính phủ với Nhật Bản: Mẫu số chung về lợi ích

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:16, 20/03/2023

Cuộc tham vấn ở Tokyo ít nhiều phát đi tín hiệu cho thấy Đức muốn định vị nước này một cách rộng rãi hơn ở châu Á để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và ít "nghiêng" hơn về phía Bắc Kinh.

Duc tham van lien chinh phu voi Nhat Ban: Mau so chung ve loi ich hinh anh 1Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ 4, phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (thứ 3, trái) đang ở thăm Tokyo chụp ảnh chung cùng các thành viên chủ chốt của Chính phủ hai nước trong cuộc tham vấn, ngày 18/3. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Lần đầu tiên, Đức tiến hành cuộc tham vấn liên chính phủ với Nhật Bản. Về phía Tokyo, đây cũng là lần đầu tiên quốc gia Đông Bắc Á thực hiện mô hình đối thoại liên chính phủ với một nước khác. Riêng điều này cũng đã cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của mối quan hệ hợp tác xuất phát từ nhu cầu nội tại hai nước.

Dường như đã đến lúc, hai quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới tự cảm thấy cần đến nhau hơn, cùng ngồi lại để tìm cách làm sâu sắc hơn nữa quan hệ, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới có nhiều biến động hiện nay.

Chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Nhật Bản từ ngày 17-19/3 để thực hiện tham vấn giữa chính phủ hai nước. Mô hình này mới lạ với Nhật Bản, song từ lâu đã được Đức triển khai với một số nước đối tác, gần đây nhất là với Ấn Độ, Tây Ban Nha (năm 2022) và Trung Quốc (năm 2021). Điều mới là gần đây Đức đã nâng cấp các cuộc gặp lên "Tham vấn chính phủ 2.0," có nghĩa chuyển từ tham vấn với sự hiện diện của hầu như toàn bộ nội các sang tham vấn với một số bộ trưởng chủ chốt theo chủ đề cụ thể.

Cuộc tham vấn với Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên này có chủ đề "an ninh kinh tế," được Đức lựa chọn do là bên khởi xướng việc tiến hành tham vấn liên chính phủ.

Thực tế, nhu cầu tham vấn chính phủ với Nhật Bản ban đầu xuất phát từ phía Đức, ông Scholz đã nêu trong cuộc hội đàm tháng 4 năm ngoái và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của người đồng cấp Nhật Bản để hai nước có thể thực hiện ngay trong đầu năm nay.

Cuối năm ngoái, Đức và Nhật Bản cũng đã tiến hành hội đàm 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng. Những điều này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý về chính sách của Đức với Nhật Bản so với trước đây, bởi bà Angela Merkel chỉ đến thăm Nhật Bản 3 lần trong suốt 16 năm cầm quyền để hội đàm song phương, trái ngược khi bà tới Trung Quốc gần như mỗi năm cùng các đoàn doanh nghiệp lớn.

Với Thủ tướng đương nhiệm Đức, trong khi vẫn ủng hộ củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Scholz cũng kêu gọi giới doanh nghiệp nước này đa dạng hóa các quan hệ kinh doanh ở châu Á.

Tình hình địa chính trị thay đổi đã buộc giới chính trị và doanh nghiệp Đức phải nhìn nhận lại cả quá trình, buộc họ phải thay đổi và đa dạng hóa để tồn tại và phát triển.

Cùng đi với Thủ tướng Scholz tới Nhật Bản lần này có 6 bộ trưởng, tức chiếm gần một nửa nội các, bao gồm bộ trưởng các bộ kinh tế, ngoại giao, tài chính, giao thông vận tải, nội vụ và quốc phòng, cùng một đoàn lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn.

Kết thúc phiên họp toàn thể, hai bên đã ra tuyên bố chung về cuộc tham vấn, bao gồm 25 điểm. Nếu xem qua các điểm này, hai bên chỉ đưa ra những tuyên bố và cam kết không mấy cụ thể, song nếu xét cả chiều dài quan hệ hai nước thì có thể nhận thấy đây là bước đột phá, không những trong quan hệ giữa Đức và Nhật Bản mà còn là chiến lược lâu dài của Berlin về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Điều này rất phù hợp với định hướng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính phủ Đức.

Thực tế thì hành động thăm và tham vấn liên chính phủ này được đánh giá còn quan trọng hơn những nội dụng đạt được. Cả 25 điểm được nêu trong tuyên bố chung về cơ bản nhấn mạnh các tuyên bố về ý định hợp tác giữa hai bên, trong đó trọng tâm là an ninh kinh tế, một vấn đề thậm chí còn quan trọng hơn đối với hai quốc gia giàu có nhưng lại nghèo về nguyên liệu thô và phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu như Đức và Nhật Bản.

Lý do Đức chọn "an kinh kinh tế" làm chủ đề cho cuộc tham vấn xuất phát từ nhu cầu rất thực tế của Berlin, trong đó Đức cũng muốn học hỏi được điều gì đó từ Nhật Bản - quốc gia đã có đạo luật về thúc đẩy an ninh kinh tế và có riêng một bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này.

Nhật Bản cũng là nước đi trước về đa dạng hóa nguồn năng lượng, chuỗi cung ứng và thị trường khi chính phủ và khu vực tư nhân (trước hết là các tập đoàn lớn) đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều thập niên để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cho đất nước.

Trong khi đó, hiện các nhà sản xuất ôtô Đức và các nhà cung cấp đang cố gắng đảm bảo quyền tiếp cận trực tiếp với các nguyên liệu thô như lithium và coban rất cần để sản xuất pin cho xe điện.

Trong tiến trình thúc đẩy cải cách chiến lược nguyên liệu thô quốc gia, việc mở rộng và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô là một trong những ưu tiên cần hướng tới, bên cạnh việc tập trung vào đẩy mạnh tái chế, hiện đại hóa quy định cho phép mở rộng khai thác ở Đức và đa dạng hóa các đối tác thông qua thỏa thuận với các nước như Chile, Australia và Canada.

Thủ tướng Scholz tóm gọn mục tiêu của an ninh kinh tế là bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu; đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng và các tuyến đường thương mại; và đảm bảo nguồn cung năng lượng trong tương lai.

Chính phủ Đức đánh giá Nhật Bản là hình mẫu về tổ chức và quản trị nguồn nguyên liệu thô và Berlin muốn tăng cường hợp tác với Tokyo để giúp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô như một phần trong nỗ lực giúp chuỗi cung ứng trở nên an toàn và linh hoạt hơn, tránh sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia đơn lẻ.

Duc tham van lien chinh phu voi Nhat Ban: Mau so chung ve loi ich hinh anh 2Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Tokyo, ngày 18/3. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Xuất phát từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, Đức và Nhật Bản muốn rút ra những bài học từ sự phụ thuộc kinh tế vào một số quốc gia đơn lẻ, hợp tác tăng cường chuỗi cung ứng, đẩy mạnh ảnh hưởng trong các lĩnh vực chiến lược, bao gồm tài nguyên khoáng sản, chất bán dẫn, hydro và pin, đồng thời chia sẻ các biện pháp tối ưu để hạn chế rủi ro. Nói cách khác, an ninh kinh tế đang trở là "mẫu số chung" về lợi ích giữa hai quốc gia ở hai châu lục.

Ngoài ra, hợp tác về an ninh mạng và quốc phòng cũng được hai bên thảo luận, trong đó Đức và Nhật Bản sẽ phối hợp về sự hiện diện của quân đội Đức trong khu vực, cũng như xem xét tiến hành tập trận chung.

Hai bên cũng cam kết về một "khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các hoạt động chung" của quân đội hai nước, nhất trí hợp tác hơn nữa để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hai bên cũng nhấn mạnh nhận thức chung về tự do hàng hải, tầm quan trọng của việc duy trì một không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở, bao trùm và dựa trên pháp quyền.

Đức và Nhật Bản kiên quyết phản đối các nỗ lực đơn phương, sử dụng vũ lực hoặc ép buộc nhằm thay đổi nguyên trạng khiến căng thẳng leo thang trong khu vực. Theo Thủ tướng Scholz, Hải quân Đức sẽ triển khai một tàu hải quân trở lại khu vực trong năm tới và sẽ ghé thăm Nhật Bản.

Người Đức có câu "Đừng bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ." Khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra khiến nguồn cung bị đứt gãy, Đức đã phải vất vả để tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Đó cũng là động lực khiến Đức nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn, bền vững và linh hoạt.

Cuộc tham vấn ở Tokyo cũng ít nhiều phát đi tín hiệu cho thấy Đức muốn định vị nước này một cách rộng rãi hơn ở châu Á để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và ít "nghiêng" hơn về phía Bắc Kinh so với chính phủ tiền nhiệm, trong đó chuyến công du đầu tiên của ông Scholz tới châu Á trên cương vị thủ tướng là tới Tokyo, chứ không phải Bắc Kinh.

Với Thủ tướng Scholz, chuyến công du tới đối tác lớn thứ hai của Đức ở châu Á này là rất cần thiết để không những có thể nâng kim ngạch thương mại song phương hiện ở mức gần 46 tỷ euro mà còn có thể triển khai các chiến lược toàn diện hơn của Đức với khu vực./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)