Nước Mỹ vẫn chia rẽ về mục tiêu tham chiến

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 23:24, 19/03/2023

Hai mươi năm trước, Mỹ đã phát động cuộc tấn công quân sự lớn tại Iraq với lý do "chống khủng bố". Thoạt đầu, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), đến nay, 62% số người được hỏi cho rằng chiến dịch tại Iraq “không đáng để tham chiến”.
Nước Mỹ vẫn chia rẽ về mục tiêu tham chiến ảnh 1
Tổng thống George W. Bush đọc Thông điệp Liên bang năm 2002. (Ảnh: Roll Call/Getty Images)

Nhân 20 năm ngày Mỹ phát động cuộc chiến tại Iraq, Trung tâm Nghiên cứu Pew có bài viết điểm lại những diễn biến chính dẫn đến chiến dịch quân sự này, cũng như sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến đã thay đổi theo thời gian như thế nào.

“Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”

Theo hai tác giả bài viết là Carroll Doherty và Jocelyn Kiley của Trung tâm Nghiên cứu Pew, cuộc chiến tại Iraq được phát động ngày 19/3/2003, với màn phô diễn sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ và được mô tả bằng cụm từ khó quên khi đó: “sốc và kinh hoàng”. Chỉ trong vòng vài tuần, Mỹ tuyên bố đạt được mục tiêu chính của chiến dịch quân sự nhằm lật đổ chế độ Saddam Hussein, còn gọi là “Chiến dịch Iraq tự do”.

Trong suốt năm 2002 và đầu năm 2003, Tổng thống George W. Bush và chính quyền của ông đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của cả công chúng và Quốc hội Mỹ đối với việc sử dụng lực lượng quân sự ở Iraq.

Thành công của chính quyền trong những nỗ lực này là kết quả của một số yếu tố, trong đó không kém phần quan trọng là bầu không khí của dư luận Mỹ vào thời điểm đó vẫn quay cuồng với nỗi kinh hoàng sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Người Mỹ đã ủng hộ khả năng sử dụng lực lượng quân sự như một phần của cái mà Tổng thống George W. Bush gọi là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”.

Nước Mỹ vẫn chia rẽ về mục tiêu tham chiến ảnh 1
Tổng thống George W. Bush đọc Thông điệp Liên bang năm 2002. (Ảnh: Roll Call/Getty Images)

Tổng thống George W. Bush và các thành viên cấp cao trong chính quyền đã dành hơn một năm để vạch ra những mối nguy hiểm mà họ cho rằng Iraq gây ra cho Mỹ và các đồng minh. Trung tâm Nghiên cứu Pew nhắc lại hai trong số các lý do mà chính quyền Mỹ khi đó đưa ra để kêu gọi công chúng ủng hộ phát động cuộc chiến. Thứ nhất, chế độ của Saddam Hussein sở hữu “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, gồm vũ khí hạt nhân, sinh học hoặc hóa học. Thứ hai, Iraq ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và có quan hệ chặt chẽ với các nhóm khủng bố, bao gồm cả Al-Qaeda, nhóm đã tấn công Mỹ ngày 11/9/2001.

Trong Thông điệp Liên bang ngày 29/1/2002, Tổng thống George W. Bush bắt đầu đưa ra lý do tại sao Mỹ có thể cần sử dụng lực lượng quân sự để loại bỏ Saddam Hussein khỏi quyền lực. Ông nói: “Iraq tiếp tục thể hiện thái độ thù địch với Mỹ và hỗ trợ khủng bố. Chế độ Iraq đã âm mưu phát triển bệnh than, khí độc thần kinh và vũ khí hạt nhân trong hơn một thập niên.”

Ngay cả trước bài phát biểu của Tổng thống George W. Bush, người Mỹ đã có xu hướng tin vào điều tồi tệ nhất về chế độ của Saddam Hussein. Trong một cuộc khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vài tuần trước khi Tổng thống đọc Thông điệp Liên bang, 73% số người được hỏi ủng hộ hành động quân sự ở Iraq để chấm dứt sự cai trị của Saddam Hussein; chỉ 16% số người được hỏi phản đối. 56% số người được hỏi nói rằng, Mỹ nên có hành động chống lại Iraq “ngay cả khi điều đó có khiến lực lượng Mỹ có thể phải chịu hàng ngàn thương vong.”

Nước Mỹ vẫn chia rẽ về mục tiêu tham chiến ảnh 2
Hàng trăm nghìn người tại New York ngày 15/2/2023 biểu tình phản đối cuộc chiến ở Iraq. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Tổng thống George W. Bush và các cố vấn cho rằng, ngay cả khi không có bằng chứng chắc chắn rằng Iraq sở hữu “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, thì cũng quá rủi ro nếu không hành động, do chính quyền Hussein không tuân thủ các nghị quyết về vũ khí của Liên hợp quốc.

Trong những nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn chiến tranh, hàng triệu người biểu tình đã xuống đường ở nhiều thành phố trên khắp thế giới và ở Mỹ vào ngày 15/2/2003. Trong khi các cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở London và Rome, hàng trăm nghìn người biểu tình phản đối chiến tranh cũng đã chen chúc trên đường phố New York.

Niềm tin dần phai nhạt

Sau khi cuộc chiến bắt đầu, các quan chức chính quyền Mỹ tự tin rằng Mỹ sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế. Trong một khoảng thời gian, có vẻ như họ đã đúng. Ngày 1/5/2003, Tổng thống George W. Bush đứng trên boong tàu sân bay USS Abraham Lincoln, trước biểu ngữ “Nhiệm vụ đã hoàn thành”, và tuyên bố rằng các hoạt động chiến đấu lớn tại Iraq đã kết thúc.

Trong một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 5/2015, lần đầu tiên tỷ lệ người Mỹ cho biết việc sử dụng lực lượng quân sự tại Iraq diễn ra “khá tốt” đã giảm xuống dưới 50%.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến tiếp diễn trong tám năm sau đó. Khi các lực lượng Mỹ đối mặt cuộc nổi dậy gia tăng ở Iraq, ngày càng nhiều người Mỹ, đặc biệt là các đảng viên đảng Dân chủ bày tỏ sự nghi ngờ về cuộc chiến. Trong một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 5/2015, lần đầu tiên tỷ lệ người Mỹ cho biết việc sử dụng lực lượng quân sự tại Iraq diễn ra “khá tốt” đã giảm xuống dưới 50%.

Nước Mỹ vẫn chia rẽ về mục tiêu tham chiến ảnh 3
Lực lượng Mỹ tuần tra trên đường phố Fallujah, Iraq, tháng 12/2004. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến càng giảm trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống George W. Bush. Vào tháng 11/2007, gần một nửa số người Mỹ được hỏi cho biết cuộc chiến đang diễn ra rất tốt hoặc khá tốt, tăng 18 điểm phần trăm so với tháng 2 năm đó. Tuy nhiên, sự ủng hộ cho việc rút lực lượng Mỹ khỏi Iraq lại tăng lên. Nhiều người Mỹ ủng hộ việc đưa quân từ Iraq về nước càng sớm càng tốt.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, ứng cử viên Barack Obama tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh ở Iraq. Ba năm sau, Mỹ rút lực lượng, trừ một số quân. Trong một buổi lễ vào ngày 15/12/2011, Mỹ hạ cờ chỉ huy trước đó đã tung bay trên bầu trời Baghdad. Quyết định của Tổng thống Obama đã thu hút sự ủng hộ đông đảo của công chúng. Một tháng trước buổi lễ rút quân, 75% số người Mỹ được hỏi, trong đó có gần một nửa số đảng viên đảng Cộng hòa, tán thành quyết định rút toàn bộ quân chiến đấu khỏi Iraq.

Nước Mỹ vẫn chia rẽ về mục tiêu tham chiến ảnh 4
Ngày 15/12/2011 đánh dấu sự kết thúc các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq. (Ảnh: Getty Images)

Ngay trước khi Mỹ rút quân vào năm 2011, 56% số người Mỹ được hỏi đã kết luận rằng, bất chấp những chi phí khổng lồ của cuộc chiến, Mỹ đã “gần như thành công” trong việc đạt được các mục tiêu ở Iraq. Nhưng trong vài năm sau, niềm tin đó đã phai nhạt. Năm 2018, kỷ niệm 15 năm ngày bắt đầu cuộc chiến, chỉ 39% số người Mỹ được khảo sát nói rằng Mỹ đã thành công ở Iraq, trong khi 53% cho rằng Mỹ đã không đạt được mục tiêu.

Nhìn lại cuộc chiến trong cuốn hồi ký năm 2010, Tổng thống George W. Bush thừa nhận rằng đã “mắc phải những sai lầm”. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News, ông nói rằng một trong số sai lầm đó là bài phát biểu “Nhiệm vụ đã hoàn thành” năm 2003. Về việc không tìm thấy “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Tổng thống George W. Bush nói: “không ai sốc và tức giận hơn tôi khi chúng tôi không tìm thấy vũ khí”. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ vẫn giữ quan điểm tham chiến ở Iraq và loại bỏ Saddam Hussein khỏi quyền lực là điều đúng đắn.

Tác động của chiến tranh đối với quan điểm của người Mỹ về nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush được nhấn mạnh trong một cuộc khảo sát vào tháng 12/2008, được thực hiện ngay trước khi ông rời nhiệm sở. Khi được hỏi điều gì về Tổng thống George W. Bush sẽ được nhớ đến nhiều nhất, 51% số người tham gia khảo sát trích dẫn các cuộc chiến tranh, trong đó 29% số ý kiến đề cập cụ thể đến cuộc chiến ở Iraq.

Đinh Trường