Kinh tế

Mở thêm "băng thông" cho nông sản Đắk Nông

Lê Dung 20/03/2023 05:00

Xúc tiến thương mại không chỉ giúp quảng bá thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa, mà còn góp phần kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.

Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và chế biến cà phê Ngôi sao (Đắk Song) thường xuyên tham gia các hội chợ, hội nghị triển lãm. Qua đó, giúp sản phẩm cà phê của công ty thêm cơ hội quảng bá sâu rộng tới khách hàng trong và ngoài tỉnh.

img_2472(1).jpg
Sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và chế biến cà phê Ngôi sao (Đắk Song) được khách hàng đánh giá cao tại các hội chợ, triển lãm

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Công ty cho biết, sản phẩm hiện được doanh nghiệp canh tác, sơ chế theo quy trình khép kín từ nông trại cho tới tách cà phê. Để thực hiện, doanh nghiệp đã đầu tư, nhập về nhiều máy móc, công nghệ hiện đại như máy sơ chế, tách nổi, chế biến ướt, tách trái xanh, phân sàng, công nghệ rang tiên tiến nhất hiện nay…

Hiện tại, mỗi năm, đơn vị cung ứng ra thị trường gần 50 tấn cà phê các loại. Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, doanh nghiệp vẫn tập trung cho thị trường trong nước. 

Trong đó, doanh nghiệp chú trọng tới một số thị trường tiêu thụ sản phẩm mạnh như: TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP. Hà Nội…

Để nắm vững thị phần này, doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia các hoạt động kết nối mở rộng thị trường khi có thông tin.

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), các sản phẩm của Đắk Nông tham gia kết nối thị trường thời gian qua rất đa dạng. Trong đó có nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh như cà phê các loại, điều rang muối, hạt mắc ca, bơ, cam, quýt, ca cao, mật ong…

img_2579(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên tham gia một Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản

Phần lớn các sản phẩm được doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao về mẫu mã, bao bì, chất lượng. Các doanh nghiệp phân phối tham gia ký kết đều là những đơn vị lớn, uy tín và có hệ thống rộng khắp trong nước.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, thúc đẩy liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số chương trình, đề án, kế hoạch phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong đó, nổi bật là các chương trình: Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Đắk Nông đang triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh…

Ngành Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chương trình mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trong đó, bao gồm tham gia các hội chợ triển lãm tổng hợp và chuyên ngành trong nước và quốc tế; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; phát triển điểm bán hàng Việt; điểm bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử…

“Đặc biệt, trong năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 5 chương trình xúc tiến thương mại địa phương, với tổng kinh phí là 750 triệu đồng. Hoạt động này sẽ góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương”, ông Tòng chia sẻ.

Chương trình xúc tiến thương mại năm nay sẽ tập trung cho một số hoạt động chính như tổ chức các đoàn tham gia hội chợ tại TP. Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên; tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến giao dịch với các địa phương khu vực Tây Nguyên; hỗ trợ nghiên cứu thị trường, kết nối giao thương đưa nông sản thế mạnh, chất lượng cao vào các siêu thị TP. Hồ Chí Minh…

Lê Dung