Các hiệp hội tại Mỹ thúc đẩy chính quyền ký thêm nhiều FTA

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:17, 17/03/2023

Thâm hụt thương mại của Mỹ dự báo ở mức 14,5 tỷ USD năm 2023 "sẽ là hồi chuông cảnh báo sự suy giảm tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ trên thế giới do không thúc đẩy các thỏa thuận mới để giảm thuế quan.”
Cac hiep hoi tai My thuc day chinh quyen ky them nhieu FTA hinh anh 1Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/3, hơn 50 hiệp hội nông nghiệp và thực phẩm Mỹ đã hối thúc Quốc hội thông qua dự luật mới để nước này có thể đàm phán thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Các hiệp hội này cho rằng nếu không thực hiện điều này, ngành nông nghiệp của Mỹ sẽ “tụt hậu” so với các đối thủ cạnh tranh trên thế giới.

Trong thư gửi tới Quốc hội, các hiệp hội - đại diện cho nhiều nhà xuất khẩu nông sản Mỹ - nhấn mạnh rằng nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm mở rộng các thị trường xuất khẩu nông sản chưa đủ để vượt qua mạng lưới các thỏa thuận thương mại tự do đang gia tăng của Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và nhiều nước khác.

Các hiệp hội này nêu rõ từ năm 2010-2020, Trung Quốc và EU đã được hưởng lợi gấp đôi so với Mỹ nhờ việc giảm thuế quan. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có hiệu lực năm ngoái, 5 năm sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Các hiệp hội cho rằng điều này đã giúp Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU.

Các hiệp hội lưu ý rằng đã hơn 10 năm kể từ khi Mỹ ký một thỏa thuận tự do thương mại mới để đưa nông sản và thực phẩm nước này đến với các thị trường mới.

Họ cũng dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp cho thấy Mỹ sẽ trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm vào năm 2023, với thâm hụt thương mại trong lĩnh vực này sẽ là 14,5 tỷ USD.

Các hiệp hội nhấn mạnh: “Đây sẽ là hồi chuông cảnh báo sự suy giảm tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ trên thế giới do không thúc đẩy các thỏa thuận mới để giảm thuế quan.” Các hiệp hội trên đề nghị các nghị sỹ thông qua dự luật mới về Quyền đàm phán nhanh các hiệp định thương mại (TPA).

TPA cho phép Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế mà Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu thuận hoặc chống chứ không được sửa đổi nội dung hiệp định. Gần đây nhất, TPA được áp dụng để đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Hiện chính quyền Tổng thống Biden không có ý định thông qua dự luật mới về TPA cũng như đàm phán các hiệp định thương mại tự do toàn diện mới để giảm thuế quan.

Thay vào đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai muốn tìm kiếm các hiệp định thương mại hạn chế hơn, chú trọng vào các tiêu chuẩn thương mại số, môi trường và lao động, cũng như các thỏa thuận cụ thể với EU về lĩnh vực sản xuất nhôm, thép và máy bay.

Các hiệp hội cho rằng những nỗ lực như vậy “có thể mang tính xây dựng cao” nếu giải quyết được những hàng rào phi thuế quan cụ thể như vấn đề an toàn thực phẩm, song nhấn mạnh Mỹ nên theo đuổi các hiệp định thương mại tự do mới giúp giảm thuế quan.

Trong khi đó, USTR khẳng định cơ quan này đang nỗ lực thúc đẩy các thị trường mới cho nông sản Mỹ. Dữ liệu được công bố ngày 15/3 cho thấy trong năm qua, cơ quan này đã tăng cơ hội xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Pakistan, nối lại xuất khẩu động vật thân mềm có vỏ sang EU sau 10 năm, mở rộng khả năng xuất khẩu khoai tây sang Mexico…

USTR cũng đang theo đuổi các vụ tranh chấp thương mại với Canada trong ngành sữa và với Mexico về ngô biến đổi gene./.

Nguyễn Hằng