Bếp tiết kiệm giúp sạch bếp
Truyền thông, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ về bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới là hoạt động được các cấp hội phụ nữ thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, Chương trình phân phối “Bếp đun tiết kiệm năng lượng Việt Nam” là một hoạt động điển hình, ý nghĩa.
Hàng chục năm nay, bà Hoàng Thị Lý ở thôn 6, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đều sử dụng bếp củi để phục vụ sinh hoạt, ăn uống trong gia đình. Bà Lý cho biết: “Do gia đình khó khăn, lại sống ở khu vực nông thôn, nên tôi thường tận dụng củi từ cây cà phê để nấu, chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ bỏ bếp củi này. Thậm chí, có khi củi lửa đỏ từ sáng đến tối vì hết đun nấu cái này đến cái kia, những lúc thế này khói rất nhiều”.
Tương tự, bà Hà Thị Huyền ở thôn 2, xã Nâm N’Jang cũng có một bếp củi chuyên dùng nấu nước tắm và hầm thức ăn. Do bếp không được che chắn xung quanh, mỗi khi nấu, nhất là mùa gió, khói bay lên khắp nơi, lửa tạt ra xung quanh, nên thời gian nấu cũng lâu hơn ngày thường. “Do làm rẫy, sẵn củi từ cây trồng nên bếp củi đã gắn bó với gia đình tôi từ bao đời. Dẫu biết khói từ bếp củi nếu hít vào lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như thẩm mỹ của ngôi nhà, nhưng vì điều kiện kinh tế, thói quen nên chưa thể bỏ được”, bà Huyền cho biết.
Ông Nguyễn Đoàn Thịnh, cán bộ điều hành phân phối chương trình cho biết: “Bếp tiết kiệm năng lượng rất dễ khi sử dụng, trong khi lượng khói giảm đến 90% so với bếp thường, bởi nó có các lỗ hút khói vào bên trong. Bếp cũng được che chắn xung quanh nên giảm thiểu tối đa lượng nhiệt thất thoát trong quá trình sử dụng. Điều này, không chỉ hạn chế tối thiểu lượng khói hít vào cơ thể, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mà còn giảm khí thải thoát ra ngoài môi trường”.
Bà Hoàng Thị Lý cho biết: “Trước nay, tôi chỉ biết nhóm củi nấu ăn, chứ không nghĩ khói bếp lại ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều như vậy. Bây giờ, được tặng bếp tiết kiệm củi, nhiên liệu, lại bảo đảm an toàn cho mình và mọi thành viên trong gia đình, tôi mừng lắm. Đây cũng là cách để môi trường thêm xanh, sạch”.
Bếp tiết kiệm năng lượng có thiết kế nhỏ gọn với trọng lượng 2,5 kg, chịu được trọng lực 80 kg, nhưng nhà sản xuất khuyến nghị chỉ sử dụng tối đa 40 kg để bảo đảm an toàn và lâu dài. Bếp được làm bằng chất liệu inox, thép không gỉ, tiết kiệm 30% đun nấu, 50-70% lượng củi sử dụng, dễ vệ sinh, di chuyển.
Bà Hà Thị Huyền bày tỏ: “Bếp này an toàn hơn khi sử dụng, bởi lửa không tản ra xung quanh mà chỉ gói gọn trong phạm vi cho phép, nên nguy cơ cháy nổ, tai nạn thương tích trong quá trình sử dụng được hạn chế. Hơn nữa, dùng bếp này lượng khói, bụi bay ra rất ít, nên môi trường cũng an toàn hơn”.
Theo bà Hồ Thị Quý, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội LHPN Việt Nam, hiện nay, nhiều gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn tồn tại quan niệm, việc bếp núc là của người phụ nữ. Chị em thường xuyên xuống bếp, tiếp xúc nhiều với khói, bụi từ củi lửa đã ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ, sức khỏe. Theo ước tính, hiện nay, hàng năm, trên thế giới có hàng chục ngàn ca tử vong và ngộ độc do hít khói từ các bếp truyền thống như bếp củi, bếp than gây ra, bởi một giờ đun nấu với bếp truyền thống tương đương với lượng khói từ 200 điếu thuốc lá.
“Qua đợt truyền thông này, chúng tôi mong muốn phần nào thay đổi tư duy, quan niệm về bếp núc của chị em khu vực nông thôn, từng bước nâng cao ý thức, thay đổi thói quen, hành vi trong quá trình sử dụng bếp củi để tránh rủi ro không đáng có. Hơn nữa, việc sử dụng bếp còn giúp chị em sắp xếp bếp núc gọn gàng, tạo không gian căn bếp sạch sẽ”, bà Quý bày tỏ.
Theo bà H’Vi Ê Ban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông, Chương trình phân phối “Bếp đun tiết kiệm năng lượng Việt Nam” nhằm hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ trong tiết kiệm năng lượng, góp phần cải thiện sức khỏe của người dân, tiết kiệm thời gian đun nấu, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Hơn hết, chương trình góp phần đưa tiêu chí “sạch bếp” của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động đi vào thực chất hơn và chất lượng cuộc sống của hội viên, phụ nữ cũng được nâng cao.
Chương trình phân phối “Bếp đun tiết kiệm năng lượng Việt Nam” được triển khai trong 2 năm 2022 và 2023, tạo cơ hội cho 1,2 triệu hộ gia đình tiếp cận với sản phẩm bếp đun tiết kiệm nhiên liệu dự kiến phân phối tại 31 tỉnh (năm 2022 là 780.000 bếp và năm 2023 là 420.000 bếp). Trong đó, hội viên, phụ nữ tỉnh Đắk Nông được tặng 28.000 bếp đun tiết kiệm năng lượng.