Ủy viên EU nhấn mạnh tầm quan trọng của một tuyến đường di cư hợp pháp

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:18, 15/03/2023

Số người xin tị nạn vào các nước Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022 đã đạt mức từng ghi nhận trong thời kỳ khủng hoảng người di cư năm 2015-2016, khi hơn 1 triệu người tìm cách đến lục địa này.
Uy vien EU nhan manh tam quan trong cua mot tuyen duong di cu hop phap hinh anh 1Những người di cư được đưa vào bờ từ tàu BF Ranger của Lực lượng Biên phòng Anh ở Dover, khi cố vượt Eo biển Manche từ Pháp để sang Anh, ngày 6/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chia sẻ quan điểm liên quan các vụ chìm thuyền ngoài khơi gần đây khiến ít nhất 100 người di cư thiệt mạng và mất tích, Ủy viên phụ trách nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson cho rằng "giải pháp bền vững duy nhất" cho vấn đề này là thiết lập một tuyến đường hợp pháp.

Số người xin tị nạn vào các nước EU trong năm 2022 đã đạt mức từng ghi nhận trong thời kỳ khủng hoảng người di cư năm 2015-2016, khi hơn 1 triệu người tìm cách đến lục địa này.

Hàng nghìn người di cư đã thiệt mạng khi cố đến châu Âu bằng những cách thức và tuyến đường hết sức nguy hiểm. Tuyến di cư miền Trung Địa Trung Hải được biết đến là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.

Số liệu chính thức của Bộ Nội vụ Italy công bố ngày 14/3 cho thấy số người di cư bất hợp pháp đến Italy bằng đường biển kể từ đầu năm đến ngày 13/3 đã tăng đột biến - lên tới 20.017 người.

Trước tình trạng cấp bách đó, bà Johansson cho rằng EU cần tới một giải pháp chung, đó là thiết lập một tuyến di cư hợp pháp. Theo bà Johansson, đây là giải pháp bền vững duy nhất để cứu mạng người di cư, đồng thời ngăn chặn nạn buôn người qua biển Địa Trung Hải.

Bà cho rằng người di cư là nguồn nhân lực quan trọng đối với EU, đặc biệt khi các nước trong khối đều đang thiếu hụt lao động ở mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, bà Johansson cũng hối thúc các nước thành viên cần nhanh chóng thông qua các đề xuất về tị nạn và di cư do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào năm 2020.

Ngày 14/3, EC đã công bố kế hoạch quản lý biên giới châu lục, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex).

Vấn đề người di cư được cho là nguồn gốc gây căng thẳng giữa các nước thành viên EU trong những năm gần đây, xung quanh việc tiếp nhận người di cư.

Gần đây nhất là tranh cãi ngoại giao giữa Italy và Pháp hồi tháng 11/2022 sau khi Rome từ chối cho một tàu chở khoảng 200 người di cư cập cảng và tàu này cuối cùng đã đến Pháp.

Trong khi đó, các biện pháp "mạnh tay" mới đây của Anh đối với người di cư trái phép cũng vấp phải nhiều chỉ trích, kể cả từ phía EC, do lo ngại về nhân đạo./.

Hoàng Châu