Kinh tế

Vùng nguyên liệu – Yếu tố then chốt “giữ chân” doanh nghiệp

Lê Phước 16/03/2023 06:00

Vùng nguyên liệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi giấy chứng nhận đối với 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Công ty Cổ phần thương mại Sachi Tây Nguyên, ở xã Thuận An (Đắk Mil). Các sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận đều được sản xuất từ sachi, một loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao.

Có nhiều nguyên nhân ngành chức năng chỉ ra để thu hồi giấy chứng nhận các sản phẩm OCOP. Trong đó, ngành chức năng nhận định doanh nghiệp không phát triển được vùng nguyên liệu. Điều này khiến doanh nghiệp không sản xuất được sản phẩm, buộc phải ngừng hoạt động và chuyển đổi hình thức hoạt động sang loại hình khác.

anh-1-nguyen-lieu-1-.jpg
Nguyên liệu có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp chế biến nông sản (Trong ảnh: Doanh nghiệp chế biến chanh dây ở Đắk Nông phải chủ động tìm nguyên liệu tại chỗ và các vùng lân cận)

Trước đó, vào cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Orivi Highland đã tổ chức khởi công nhà máy chế biến nông sản ở TP. Gia Nghĩa. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 2 ha, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành, đi vào vận hành vào giữa năm 2022. Sau khi đi vào vận hành, nhà máy chế biến nông sản sẽ chế biến các loại nông sản gồm: sầu riêng, bơ và chanh dây. Nhà máy được kỳ vọng sẽ góp phần tiêu thụ nông sản trực tiếp tại Đắk Nông và các tỉnh lân cận, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Không như kỳ vọng, sau lễ khai trương, doanh nghiệp này không triển khai đầu tư gì cả. Thay vào đó, họ chuyển chiến lược kinh doanh, đầu tư ở địa bàn khác. Dự án chế biến nông sản ở Đắk Nông đã “chết yểu”.

Thời gian qua, nhiều  doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản đã từng đến khảo sát đầu tư tại Đắk Nông. Nhưng sau gần 20 năm thành lập, Đắk Nông vẫn chưa có dự án lớn nào về sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản được triển khai.

Đắk Nông có rất nhiều lợi thế về đất đai, tài nguyên và vị trí địa lý để phát triển ngành hàng nông nghiệp. Riêng về lĩnh vực trồng trọt, Đắk Nông có rất nhiều con số nổi trội. Hồ tiêu có diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước. Cà phê có diện tích và sản lượng đứng thứ 3 toàn quốc. Cao su, điều có năng suất, sản lượng cao. Các ngành hàng đang phát triển mạnh ở dạng tiềm năng liên quan đến sầu riêng, bơ, xoài, mắc ca…

anh-2-tap-trung-1-.jpg
Đắk Nông có đất đai màu mỡ nhưng người dân chủ yếu phát triển đa canh, chưa tạo được vùng chuyên canh sản xuất nguyên liệu quy mô lớn

Lợi thế như vậy nhưng việc kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đắk Nông thời gian qua chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. 

Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ, yếu tố quan trọng đến việc “giữ chân” được doanh nghiệp là nguyên liệu. Doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy chế biến thì Nhà nước phải giải được bài toán về nguyên liệu.

“Doanh nghiệp đến đầu tư mà không có nguyên liệu, nguyên liệu không đủ hoặc có nguyên liệu tại chỗ nhưng không thu mua được thì không thể hoạt động. Chúng ta phải ổn định được nguồn nguyên liệu cho họ. Cơ quan Nhà nước phải trả lời được câu hỏi này mới tạo được niềm tin cho doanh nghiệp. Đây là một vấn đề khó mà không phải riêng Đắk Nông mà nhiều địa phương khác gặp phải”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Lê Phước