Kinh tế

Tăng cường phòng, trừ sâu hại vụ đông xuân

Kim Ngân 16/03/2023 05:51

Vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 9.330 ha cây trồng các loại, đạt 90,3% kế hoạch. Để vụ đông xuân đạt hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương đã, đang tăng cường các biện pháp phòng, trừ sâu hại trên cây trồng.

Hiện nay, diện tích lúa tại một số địa phương như: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Song…  đang vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Từ đầu vụ đến nay, trạm bảo vệ thực vật các địa phương đã tích cực kiểm tra, phát hiện sâu hại để có biện pháp phòng, trừ kịp thời.

img-4181-1-.jpg
Người dân xã Nâm N'đir (Krông Nô) chăm sóc ruộng lúa

Đối với cây lúa, sâu bệnh hại chủ yếu gồm: bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy các loại, bệnh đạo ôn lá. Một số đối tượng sâu, bệnh gây hại rải rác, tỷ lệ bệnh hại thấp.

Trên cây bắp, đậu đỗ đang giai đoạn cây con, phát triển thân lá, các đối tượng gây hại phổ biến là rầy rệp các loại, sâu ăn lá, bệnh đốm lá. Đối với cây rau chủ yếu là sâu ăn lá các loại, rầy rệp, bọ nhảy, ruồi đục quả, bệnh thối nhũn, sương mai, phấn trắng, thán thư...

Để phòng ngừa sâu hại phát sinh, ngành Nông nghiệp, chính quyền đã phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường công tác điều tra, phát hiện sớm các loại sâu, bệnh gây hại trên đồng ruộng. Qua đó, đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 2, xã Cư K’nia (Cư Jút) vụ đông xuân này gieo sạ trên 3 sào lúa. Theo bà Lan, năm nay, ngành Nông nghiệp xây dựng lịch thời vụ và hướng dẫn cơ cấu giống lúa cơ bản sát với tình hình diễn biến của mùa vụ. Bà Lan cho biết: “Từ khi xuống giống đến nay đã gần 2 tháng, ngoài thời điểm làm cỏ dại, tôi vẫn thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh trên diện tích lúa, rau màu của gia đình”.

img-3644-1-.jpg
Ông Triệu Văn Ý, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) thường xuyên thăm đồng

Còn gia đình ông Triệu Văn Ý ở thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô), vụ này cũng gieo sạ 7 sào lúa. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ này, ông Ý chú trọng đến việc phòng ngừa sâu bệnh hại là chính. Ông Ý cho hay: “Hiện nay, tình trạng một số loại sâu hại có nguy cơ kháng thuốc, do đó, cần phải cảnh giác, phát hiện sớm mới phòng trừ hiệu quả”.

Cũng theo ông Ý, chỉ khi nào phát hiện sâu bệnh trên ruộng có tỷ lệ cao, ông mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phun theo hướng dẫn của ngành chức năng.

Điều quan trọng nhất mà ông quan tâm đó là tạo bộ rễ, tăng sức đề kháng cho cây lúa khỏe mạnh sẽ hạn chế được dịch bệnh. Do vậy, định kỳ, ông Ý sử dụng phân bón qua lá, rễ để giúp cây tăng sức đề kháng, sinh trưởng, phát triển ổn định.

Đối với cây cà phê, điều thời điểm này đang ở giai đoạn ra hoa, hình thành trái non, các đối tượng gây hại chủ yếu là bệnh gỉ sắt, đốm mắt cua, nấm hồng, rệp các loại, bọ xít muỗi, sâu đục thân, tuyến trùng hại rễ...

Trên cây tiêu sau thu hoạch dễ bị các loại sâu rầy, rệp, bệnh do virus... tấn công. Nhiều diện tích cây ăn quả như: Bơ, sầu riêng cũng dễ phát sinh các loại bệnh thối thân, thán thư, đốm lá, rầy rệp gây hại.

img-5341-1-(1).jpg
Người dân xã Cư K'nia phòng ngừa sâu bệnh trên ruộng bắp

Để bảo đảm an toàn cho mùa vụ, Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh đã, đang đôn đốc các cấp, ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng trừ sâu hại trên cây trồng.

Các hộ dân phải thường xuyên bám đồng, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về rầy nâu trên cây lúa, sâu keo mùa thu trên cây ngô, bệnh rỉ sắt, rệp sáp trên cây cà phê, bệnh do virus cây tiêu, bệnh xì mủ, thán thư trên cây điều… để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

Chính quyền các địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa, đồng thời triển khai kế hoạch dự phòng đối với diện tích lúa, hoa màu nhiễm sâu bệnh đến ngưỡng cần phải phòng, trừ.

Kim Ngân