Đời sống

Đắk Nông tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Thanh Hằng 13/03/2023 13:00

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) là Giảm nghèo bền vững; Xây dựng Nông thôn mới (NTM); Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi.

Những tín hiệu khả quan

Chương trình Phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi được đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều giải pháp. Ngoài các chính sách chung của Trung ương và vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số chính sách đặc thù riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng ĐBDTTS phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Vài năm trước chị H’Yon, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) và một số phụ nữ khác trong bon thành lập, duy trì hoạt động của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Một số thành viên trong tổ hợp tác còn được đầu tư, trang bị khung dệt, máy may, sợi chỉ... từ đó sản phẩm được làm ra nhiều hơn và có sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Chị H’Yon chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của địa phương, bà con được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật để duy trì, làm mới nghề dệt thổ cẩm. Thông qua các chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thổ cẩm của địa phương cũng được biết đến nhiều hơn. Hiện nay, thổ cẩm không chỉ được dùng để may đồ, loại vải đặc trưng của người M’nông còn được sử dụng để trang trí nội thất, làm đồ lưu niệm, mang lại cho người dân nguồn thu ổn định, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc”.

Song song với Chương trình Phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, chương trình Giảm nghèo bền vững cũng đã được các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bằng những kế hoạch, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm 3,22% (tương đương với gần 5.000 hộ), riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm trên 5%.

hinh-1(1).jpg
Nhờ sự quan tâm của Nhà nước cùng với đóng góp của người dân, nhiều con đường tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã được đổ bên tông, kiên cố hóa.

Trong khi đó, đối với chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM), điểm nổi bật là đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy được vai trò chủ thể của người dân.
Hiện toàn tỉnh đã có 38/60 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 16,42 tiêu chí.

Trong năm 2022, TP. Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngoài ra, 2 huyện khác của tỉnh là Đắk R’lấp và Cư Jút đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư đồng bộ.

Ông Kiều Văn Tuấn, bon R’long Phe, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước cùng với đóng góp của người dân, nhiều con đường trong xã đã được đổ bê tông, kiên cố hóa, từ đó tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Cũng nhờ việc triển khai Chương trình Xây dựng NTM mà hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”.

hinh-2(1).jpg
Hai huyện Đắk R’lấp và Cư Jút, tỉnh Đắk Nông  có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Phấn đấu giải ngân 100% vốn chương trình MTQG

Trong hai năm 2022 – 2023, tổng số vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình trên địa bàn tỉnh gần 1.900 tỷ đồng (năm 2022 là 758 tỷ đồng và năm 2023 là hơn 1.118 tỷ đồng). Tuy nhiên, tính đến ngày 17/2/2023, mới chỉ giải ngân được 16,54% tổng số vốn của năm 2022. Riêng năm 2023, các dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư nên chưa giải ngân.

Thực tế cho thấy, các chương trình MTQG có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Ngoài mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, việc thực hiện các chương trình MTQG được kỳ vọng giúp Đắk Nông hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là tại hai huyện nghèo Tuy Đức, Đắk Glong và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông ĐBDTTS sinh sống. Thế nhưng quá trình triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (Đắk Glong) lấy ví dụ: “Một số quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành, nhất là trong việc triển khai các dự án sinh kế. Phần lớn là dự án do nông dân viết nhưng chưa có dự án mẫu, nên người dân phải mò mẫm, tự tìm tòi. Chính vì thế, khi đi vào triển khai sẽ gặp khó khăn, thậm chí là phải dừng lại”.

Tương tự, ông Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, địa phương cũng gặp không ít khó khăn, rào cản. Đặc biệt là công tác giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh cho hộ ĐBDTTS.

“Theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh, hiện nay việc làm đường ở thành phố, người dân không phải đóng góp, nhưng đối với các xã thì vẫn theo hình thức người dân và Nhà nước cùng làm. Đối với một số ĐBDTTS, đời sống kinh tế còn khó khăn nên việc huy động sẽ rất hạn chế, nhiều trường hợp không có tiền đóng góp. Bên cạnh đó, với việc xã Đắk Nia đạt chuẩn nông thôn mới, xã sẽ không còn hộ nghèo, song thực tế hiện nay một số hộ vẫn cần sự trợ giúp của Nhà nước, đặc biệt là bảo hiểm y tế, hỗ trợ sinh kế”, ông Trần Đình Tuấn cho hay.

hinh-5(1).jpg
Trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, rào cản.

Bên cạnh đó, đối với các dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù, đến nay chưa có văn bản quy định mức hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư. Riêng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, chưa có văn bản hướng dẫn nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành cũng như việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội còn thiếu gắn kết, đồng bộ.

Tại hội nghị triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2023 và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công nói chung, nguồn vốn các chương trình MTQG nói riêng có ý nghĩa then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Chính vì thế, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2023 giải ngân trên 95% vốn đầu tư công, riêng 3 Chương trình MTQG phấn đấu giải ngân 100% vốn giao.

Thanh Hằng