Có một vùng biên “đất thuận, người an”
Quốc phòng - An ninh - Ngày đăng : 09:51, 13/03/2023
“Sứ giả hòa bình” từ thuở… hồng hoang
Trong sử thi của người M’nông có kể: “Thuở hồng hoang, thần núi Nam Nung là thế lực mạnh nhất, cai quản cả một vùng đất rộng lớn. Vào ngày nọ, trong chuyến chu du thiên hạ, thần Nam Nung vô tình bắt gặp công chúa Nam Lê- một đóa hoa “hương trầm sắc ngọc” giữa đại ngàn nên đã cướp về làm vợ. Xót thương cho con gái phải làm phận nữ hầu, bề tôi, nhưng vì yếu thế hơn nên thần núi Nam Lê vẫn không thể tự mình đi giải cứu. Sau bao đêm suy nghĩ, thần Nam Lê bèn nhờ thần núi Nâm Gleh làm sứ giả hòa bình sang thương thuyết với thần Nam Nung với mong muốn sớm đưa con gái trở về. Tuy nhiên, mọi điều kiện mà thần núi Nâm Gleh đưa ra đều không được “bề trên” chấp nhận và cuộc giải cứu bất thành. Quá tức giận, thần núi Nam Lê đã dùng chân đạp mạnh lên đỉnh Nâm Gleh làm cho đất xung quanh sụp xuống tạo thành lòng chảo lớn”.
Về sau, để giải thích hiện tượng tự nhiên của vùng đất, người M’nông đã viết nên sử thi gọi núi Nâm Gleh R’luh (núi lửa Thuận An bây giờ) là núi lồ ô bị lún.
Giữa sắc màu huyền thoại của sử thi được người M’nông nơi vùng Nam Tây Nguyên lưu giữ đến hôm nay, dễ dàng nhận thấy tính cách nhu mì, ôn hòa của vùng đất dưới chân núi lửa Nâm Gleh R’luh. Thuở hồng hoang, thần núi Nâm Gleh vẫn sẵn sàng đứng ra làm “sứ giả hòa bình”, sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả (dù không đáng phải nhận) khi các cuộc thương thuyết đi vào ngõ cụt. Trong dòng sử thi trường tồn mãi theo năm tháng, cá tính ấy vẫn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay, tạo nên giá trị của một vùng quê biên giới “đất thuận, người an”.
Vững vàng tâm thế phát triển
Với tổng diện tích tự nhiên gần 6.200ha, quy mô dân số 12.385 người, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo với mũi nhọn là cây cà phê có tổng diện tích 4.200ha, xã Thuận An là địa phương có tốc độ phát triển nhanh nhất trên địa bàn biên giới tỉnh Đắk Nông. Năm 2018, xã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và ngay sau đó, vùng quê dưới chân núi lửa Nâm Gleh R’luh lại thêm bước đột phá rất quan trọng khi trở thành xã biên giới đầu tiên triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Dự kiến, trong năm 2023, xã Thuận An sẽ chinh phục được cột mốc rất đáng nhớ này để phát triển một cách bền vững nhất.
Cơ sở để vùng nông thôn biên giới Thuận An đặt niềm tin vào sự phát triển bền vững ấy, bên cạnh những yếu tố “thiên thời, địa lợi” là những giá trị về mặt con người.
Như chúng tôi đã nói đến tính cách nhu mì, ôn hòa của mảnh đất dưới chân núi Nâm Gleh R’luh mà sử thi M’nông đã kể, xã Thuận An luôn là một trong những địa phương ổn định nhất về “chỉ số an ninh” trong 20 năm trở lại đây. Sau sự kiện tụ tập gây rối trên địa bàn Tây Nguyên xảy ra vào năm 2001, một số đối tượng trên địa bàn xã Thuận An lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền, kích động gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và câu móc, tổ chức vượt biên trái phép. Để triệt tiêu “mầm bệnh” nguy hiểm này, bên cạnh việc đẩy mạnh các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng cải thiện, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với nhiều biện pháp đấu tranh, vừa kiên trì, vừa cứng rắn trên mặt trận tư tưởng và an ninh, trong đó có vai trò cực kỳ quan trọng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Nông.
Sau quãng thời gian tập trung đấu tranh trực diện với những phần tử phản động ở hai bon Sa Pa và Bu Đắk, từng bước chuyển hóa địa bàn, BĐBP Đắk Nông tiếp tục ưu tiên nguồn nhân lực tham gia xây dựng xã Thuận An trở thành điểm sáng toàn diện trên biên giới. Những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An- đơn vị quản lý địa bàn là lực lượng thường trực “kiến tạo” vùng biên giàu mạnh. Hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ được huy động xuống địa bàn đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng nông thôn mới và giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Có thể nói dấu ấn đậm nét nhất của Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An trong 1 thập kỷ qua chính là công tác dân vận, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Nằm ở vị trí đắc địa của vùng Nam Tây Nguyên, xã Thuận An là địa bàn nhạy cảm không chỉ tiềm ẩn những yếu tố phức tạp cả về an ninh chính trị và an ninh phi truyền thống. Trên địa bàn hiện có 135 hộ gia đình với gần 550 nhân khẩu có mối quan hệ thân tộc với phía nước bạn Campuchia, thường xuyên qua lại biên giới thăm thân. Hoạt động này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chấp hành quy chế biên giới, quản lý xuất nhập cảnh và đặc biệt là công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.
Để giữ vững an ninh, trật tự địa bàn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An một mặt tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, mặt khác đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, kết hợp tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; hầu hết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đều được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra điểm nóng. Đặc biệt, trong suốt 3 năm phòng, chống đại dịch Covid-19, trên địa bàn không xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh qua biên giới, các hoạt động vi phạm quy chế, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán các loại hàng cấm qua biên giới được kiềm chế.
Từ vai trò “sứ giả hòa bình” thuở hồng hoang đến tâm thế của một vùng nông thôn biên giới ổn định và phát triển bền vững, xã Thuận An xứng đáng là điểm sáng toàn diện trên tuyến biên giới Nam Tây Nguyên.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, từ năm 2020 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An có 2 lần được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và 1 lần đạt danh hiệu Đơn vị Tiên tiến, xứng đáng là một trong những lá cờ đầu phong trào thi đua của BĐBP Đắk Nông.