Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất năm 2011
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:11, 11/03/2023
Người đàn ông cùng vợ cầu nguyện trước phần mộ của người thân tại Otsuchi, tỉnh Iwate. (Ảnh: Kyodo) |
Anh Daigaku Toshihiko (thành phố Sendai, tỉnh Miyagi) đã mất đi 5 người thân: cha mẹ, vợ, anh trai và cháu trai. Sóng thần đã cuốn trôi ngôi nhà của cha mẹ anh và của anh. Anh Daigaku Toshihiko thường trở lại nơi lưu giữ kỷ niệm về gia đình mình vào ngày 11 hằng tháng.
"Tôi chắp tay lại và cầu nguyện những người thân đã khuất sẽ bảo vệ chúng tôi. Tôi nói với họ rằng, 12 năm đã trôi đi nhanh chóng và mọi người đều đang làm rất tốt", anh Daigaku Toshihiko chia sẻ.
Igarashi Hideko, người sống sót sau khi xảy ra thảm họa tại thành phố Soma, tỉnh Fukushima, bày tỏ: "Trong thâm tâm, tôi vẫn không thể quên những gì chúng tôi đã trải qua. Nhưng sau 12 năm, cuối cùng tôi cũng cảm thấy mình có thể chấp nhận những điều đã xảy ra".
Kawato Hiroaki (thành phố Miyako, tỉnh Iwate), một người may mắn sống sót sau thảm họa năm 2011, cho rằng: "Chúng ta luôn phải ghi nhớ cách sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa khác. Chúng ta không nên quên những gì đã xảy ra".
Lúc 14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, một trận động đất có cường độ 9 đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Tâm chấn của trận động đất cách vùng Tohoku khoảng 70km, ở độ sâu khoảng 32km.
Trong vòng nửa giờ sau đó, sóng thần đã tràn vào đất liền của nước này. Cơn sóng dữ tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, phá hủy nguồn điện và các hệ thống làm mát của nhà máy, gây rò rỉ phóng xạ tại 3 lò phản ứng.
Theo NHK, giới chức Nhật Bản cho biết, số người được xác nhận đã thiệt mạng hoặc mất tích đã lên tới 22.000, bao gồm những người đã qua đời do các vấn đề sức khỏe hoặc nguyên nhân liên quan đến thảm họa kép trong những năm sau khi xảy ra thảm họa.
Thảm họa kinh hoàng này cũng khiến hàng trăm nghìn người phải di dời. Tính đến tháng 2/2023, hơn 30.000 người vẫn chưa được trở về nhà sau thảm họa năm 2011.
12 năm trôi qua, khu vực rộng hơn 300km2 gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn được xếp vào vùng “khó quay trở lại”. Những người chờ đợi để quay trở lại nơi này phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.