Cách tính lương hưu khi vừa tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện
Chính sách - Ngày đăng : 08:59, 10/03/2023
Bà T. hỏi, nếu nhân viên này tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức 1.500.000 đồng/tháng và đóng một lần cho 10 năm còn thiếu thì mức lương hưu được hưởng một tháng là bao nhiêu?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội TP. Cần Thơ trả lời như sau:
Mức lương hưu hằng tháng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc được quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, cụ thể như sau:
"3. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH quy định tại Khoản 4 Điều này.
4. Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính theo công thức sau:
Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH = (Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc X Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc) + Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện / (Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc + Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện)
Trong đó:
- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật BHXH.
- Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện đã được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định này".
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc để tính lương hưu
Điều 62 Luật BHXH quy định mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc để tính lương hưu, trợ cấp một lần:
"1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Tham gia BHXH trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Khoản 1 Điều này".
Do bà không cung cấp quá trình đóng BHXH chi tiết nên cơ quan BHXH TP. Cần Thơ chưa tính cụ thể được mức hưởng. Bà có thể tham khảo cách tính mức hưởng lương hưu theo quy định trên hoặc bà có thể đến cơ quan BHXH để được hỗ trợ.