Chiến thắng Đức Lập tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi
Chiến thắng Đức Lập (9/3/1975) đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây thị xã Buôn Ma Thuột của địch, từ đó tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, dẫn tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Một thời hào hùng
Quân lỵ Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ - Đắk Mil ngày nay) có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, kinh tế, chính trị, được xem như “cánh cửa thép” khống chế Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng biên giới Campuchia.
Để án ngữ vị trí quan trọng này, tại Đức Lập, địch đã xây 5 cứ điểm mạnh như: Cứ điểm Núi Lửa án ngữ quốc lộ 14 (khu vực xã Thuận An), với các lô cốt, hầm ngầm và hệ thống chướng ngại vật dày đặc; Sở chỉ huy hành quân Sư đoàn 23 đóng tại trung tâm, trận địa pháo 105 ly đóng ở "đồi trung đoàn" (thuộc khu vực xã Đắk Lao).
Tại đây, địch xây dựng các công sự kiên cố, vững chắc, chướng ngại vật dày đặc, có sân bay trực thăng dã chiến và trường huấn luyện biệt kích đóng tại khu vực xã Đắk Sắk. Lực lượng địch tại đây có 2 tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn xe tăng, 5 đại đội bảo an cùng với các đơn vị trinh sát, công binh trực thuộc Sư đoàn 23 được trang bị quân trang, vũ khí hiện đại.
Đến tháng 3/1975, trong Chiến dịch Tây Nguyên, Đức Lập được chọn là điểm mở đầu, then chốt để tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột.
Chia sẻ trong bài "Chiến thắng Đức Lập - mấu chốt quan trọng trong Chiến dịch Tây Nguyên" đăng trên Báo Đắk Nông ngày 30/04/2022, Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Trưởng Phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên thông tin, ban đầu quân ta có kế hoạch đánh chiếm thị xã Gia Nghĩa (Quảng Đức cũ). Tuy nhiên, sau chiến thắng Phước Long (1/1974), Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Mặt trận Tây Nguyên nhiệm vụ mới, chưa đánh thị xã Gia Nghĩa trước mà chuyển sang đánh căn cứ quận lỵ Đức Lập và căn cứ Núi Lửa.
Xác định đánh căn cứ Đức Lập là một nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan mật thiết với mục tiêu chính của chiến dịch là thị xã Buôn Ma Thuột, đích thân Thượng tướng Vũ Lăng - Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã dẫn đầu đoàn cán bộ của Mặt trận và của Sư đoàn 10 đi trinh sát Đức Lập.
Vào lúc 5 giờ 55 phút sáng ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện Đức Lập đã đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập. Chưa đầy 3 tiếng sau, Trung đoàn 28 chiếm cứ điểm Núi Lửa; Trung đoàn 66 chiếm Sở chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 địch.
Riêng tại khu vực trung tâm, dựa vào hệ thống lô cốt, hầm ngầm kiên cố, địch chống trả rất quyết liệt. Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo hạng nặng vào gần, hạ nòng bắn thẳng, tới 8 giờ 30 phút ngày 10/3/1975 ta mới làm chủ được quận lỵ.
Cùng ngày hôm đó, Sư đoàn 10 tiếp tục tấn công căn cứ Đắk Sắk, chiếm Đắk Song. Về cơ bản, trong ngày 10/3, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch tại Đức Lập sụp đổ, Buôn Ma Thuột bị chia cắt, cô lập.
Chiến thắng Đức Lập đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, trận tiêu diệt cụm cứ điểm địch ở căn cứ Đức Lập là trận thắng lớn đầu tiên của quân đội ta trong Chiến dịch Tây Nguyên. Chiến thắng Đức Lập là thắng lợi mang tính “nút thắt”, mở thông đường hành lang chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để Sư đoàn 316 đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột 10/3/1975, tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi.
Chiến thắng Đức Lập đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuổi trẻ Đắk Mil tự hào tiếp bước cha anh
Phát huy tinh thần chiến thắng Đức Lập năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đắk Mil, nhất là tuổi trẻ hôm nay luôn đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các thế hệ đoàn viên, thanh niên Đắk Mil không ngừng rèn luyện, trưởng thành, ra sức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương Đắk Mil ngày càng phát triển.
Qua các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… tuổi trẻ Đắk Mil hôm nay đã và đang phấn đấu học tập, rèn luyện, trưởng thành, có lý tưởng cao đẹp, khát vọng vươn lên, góp sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước.
5 năm qua (2017-2022), tuổi trẻ Đắk Mil đã đăng ký xây dựng, đảm nhận và gắn biển 530 công trình, phần việc thanh niên các cấp với tổng trị giá 3 tỷ đồng; ra quân trồng hơn 30.000 cây xanh; đăng ký trên 2.400 ý tưởng sáng kiến, sáng tạo trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Thanh niên Đắk Mil đã, đang ra sức thi đua trong khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong tuổi trẻ như anh Nguyễn Đắc Tặng với mô hình vườn ươm cây cà phê Dây Thuận An; anh Nguyễn Trung Kiên với mô hình nuôi bò 3B ở xã Đắk Gằn; anh Hà Văn Cương với mô hình nuôi dê ở xã Long Sơn…
Anh Y Thoa, Bí thư Huyện đoàn Đắk Mil cho biết: “Tiếp bước truyền thống cha ông, viết tiếp nên những trang sử hào hùng năm xưa, tuổi trẻ Đắk Mil đã có mặt ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ học tập, lao động sản xuất, phát triển kinh tế và nhất là sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Huyện đoàn Đắk Mil sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu niên, giúp các bạn trẻ hiểu, thêm tự hào với lịch sử dân tộc, truyền lửa để lớp lớp thế hệ trẻ trân trọng quá khứ, viết tiếp tương lai, xây dựng quê hương Đắk Mil ngày càng giàu đẹp.
Đồng thời, tuổi trẻ Đắk Mil đẩy mạnh triển khai thực hiện các công trình, phần việc thanh niên ý nghĩa, thăm tặng quà các gia đình chính sách, các phong trào tuổi trẻ xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trên tất cả các lĩnh vực”.