Thời sự

Ngoại giao kinh tế quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm

Nguyễn Lương 09/03/2023 19:38

Chiều 9/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông.

Năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế được Chính phủ triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả. Chính phủ đã chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

img_1092-2-.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Các nội dung hợp tác về kinh tế được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hơn 150 văn kiện hợp tác được Chính phủ ký kết, góp phần đưa hợp tác quốc tế với các đối tác đi vào chiều sâu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế được đổi mới quyết liệt, hiệu quả.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác đối ngoại đôi lúc chưa chủ động, sáng tạo. Hợp tác kinh tế ở một số địa bàn chiến lược chưa phát huy hết tiềm năng. Tính chủ động, nhạy bén trong nghiên cứu, tham mưu còn hạn chế.

Năm 2023, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chương trình, hành động nâng cao nhận thức về ngoại giao kinh tế. Cả nước triển khai tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp.

Trong đó, cả nước xác định hợp tác kinh tế là nội hàm trung tâm, nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài kết hợp nguồn lực trong nước.

Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm. Việc tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa bản lề trong việc thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025.

img_1099(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo ngoại giao kinh tế phải có trọng tâm, trọng điểm.

Ngoại giao kinh tế là mấu chốt trong nền ngoại giao Việt Nam. Do vậy, từ Chính phủ đến các địa phương phải hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm về ngoại giao kinh tế.

“Thời gian ít, yêu cầu cao. Nguồn lực có hạn. Tất cả chúng ta trước khi làm phải suy nghĩ mọi việc thật chín. Làm việc nào phải dứt điểm việc đó”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Để ngoại giao kinh tế đạt kết quả tốt, cả nước tận dụng mọi nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước. Tất cả huy động, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế, tạo đột phá.

Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu, theo hướng đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Phát triển ngoại giao kinh tế, trong đó lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm.

Nguyễn Lương