Kinh tế

Phát triển sầu riêng bền vững - Còn những trăn trở

Kim Ngân 09/03/2023 12:45

Sầu riêng là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, với nhiều tiềm năng. Thế nhưng, việc phát triển loại cây trồng này ở Đắk Nông đang bộc lộ nhiều điểm yếu cần khắc phục.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp, năm 2022, toàn tỉnh có 6.139 ha sầu riêng, sản lượng đạt 24.497 tấn. Trong đó, diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch đạt 2.039 ha, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha.

Diện tích sầu riêng tập trung nhiều ở các huyện Đắk Song 1.188 ha; Đắk Mil 1.240 ha; Tuy Đức 1.118 ha; TP. Gia Nghĩa 669 ha và Đắk R’lấp 645 ha.

img_1356-2-.jpg
80% sản lượng sầu riêng của Đắk Nông do thương lái thu gom

Những năm qua, diện tích sầu riêng tăng nhanh. Nguyên nhân do giá cả sầu riêng khá cao, nên người dân mở rộng canh để nâng cao thu nhập.

Sầu riêng là cây lâu năm, có giá trị kinh tế cao. Người dân đã quan tâm áp dụng theo quy trình kỹ thuật để chăm sóc sầu riêng, vì vậy chất lượng sản phẩm từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, hiện nay, cây sầu riêng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ để phát triển bền vững, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, quy mô sản xuất sầu riêng vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành được các vùng tập trung. Điều này gây khó khăn cho việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.

Bên cạnh đó, tình trạng thiên tai, dịch bệnh luôn đe dọạ, làm suy giảm chất lượng và gây khó khăn trong sản xuất sầu riêng của người dân. Các sản phẩm chế biến sâu từ sầu riêng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

dsc_5341(1).jpg
Giá sầu riêng tăng, nông dân tiếp tục mở rộng diện tích

Ngoài ra, các khâu tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hiệu quả. Đắk Nông chưa có vùng sầu riêng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung, nên khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn.

Hiện nay, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng của Đắk Nông chủ yếu dựa vào thương lái. 90% sản lượng sầu riêng của tỉnh hiện nay chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi ở thị trường nội địa.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, với 39 hộ dân tham gia trên quy mô 165,5 ha. Thế nhưng, quy mô này còn khá nhỏ so với tổng diện tích sầu riêng hiện nay của tỉnh.

img_1381(1).jpg
Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hỗ trợ người dân các bước thiết lập vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn

Trên cơ sở Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến năm 2035, Đắk Nông dự kiến hình thành 4 vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 1.700 ha. Trong các vùng này, tỉnh phát triển các sản phẩm cây ăn quả thế mạnh, tiềm năng như: sầu riêng, chanh leo, mắc ca, bơ, xoài…

Riêng sầu riêng, dự kiến đến năm 2030, tỉnh phát triển ổn định khoảng 7.000 ha, tập trung tại xã Đức Mạnh, Đức Minh (Đắk Mil), xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).

Song song với phát triển vùng nguyên liệu, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc sầu riêng.

Ngành Nông nghiệp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân các bước thiết lập vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cùng với triển vùng nguyên liệu, tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân để có đầu ra ổn định cho ngành hàng sầu riêng...

Kim Ngân