Nga: SCO không có ý định trở thành khối chính trị-quân sự

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:49, 06/03/2023

Đặc phái viên Tổng thống Nga Khakimov nhấn mạnh "SCO không phải là khối chính trị-quân sự và không có ý định trở thành một liên minh liên kết kinh tế, với việc thiết lập các cơ quan siêu quốc gia."

Nga: SCO khong co y dinh tro thanh khoi chinh tri-quan su hinh anh 1Đại sứ lưu động, đặc phái viên Tổng thống Nga về các vấn đề SCO, ông Bakhtiyor Khakimov. (Nguồn: SCO)

Các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) không có ý định biến tổ chức này thành một khối chính trị-quân sự. Đây là tuyên bố của Đại sứ lưu động, đặc phái viên Tổng thống Nga về các vấn đề SCO, ông Bakhtiyor Khakimov, trong cuộc họp báo sau chuyến thăm Trung Quốc.

Đại sứ Khakimov nhấn mạnh: "Chiến lược phát triển SCO đến năm 2025, được thông qua tại Ufa (Nga) năm 2015, nêu rõ SCO không phải là một khối chính trị-quân sự và không có ý định trở thành một liên minh liên kết kinh tế, với việc thiết lập các cơ quan siêu quốc gia. Chúng tôi chủ trương tiềm năng của mỗi nước phải được tận dụng vì lợi ích chung, có tính đến đặc thù và lợi ích của mỗi nước."

Ông Khakimov nhấn mạnh SCO hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc an ninh là không thể chia cắt và hợp tác bình đẳng, đồng thời cho biết trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều nước tuyên bố sẵn sàng hợp tác với SCO và gia nhập tổ chức.

SCO là tổ chức quốc tế, thành lập năm 2001. Hiện các nước thành viên của tổ chức này bao gồm Nga, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan.

Bốn quốc gia đóng vai trò quan sát viên gồm Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ. Ngoài ra, 9 nước đối tác đối thoại gồm Azerbaijan, Armenia, Ai Cập, Campuchia, Qatar, Nepal, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.

Tại hội nghị thượng đỉnh SCO ngày 15-16/10/2022 ở Samarkand (Uzbekistan), lãnh đạo các nước đã ký bản ghi nhớ về giao ước của Iran gia nhập SCO. Hội nghị cũng khởi động tiến trình thông qua tư cách thành viên của Belarus.

Ngoài ra, hội nghị đã thông qua quyết định cấp quy chế đối tác đối thoại cho Bahrain, Kuwait, Maldives, Myanmar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)./.

Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)

Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)